Phó Thủ tướng: Kiểm soát chặt chẽ ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặc biệt”.

Chiều 15/6, tại phiên chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách.
Không tăng trưởng bằng mọi giá
Phát biểu trước khi trực tiếp trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, về giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã thảo luận kỹ và quyết nghị nhiều giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2017.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, đồng thời nhất quán quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.
Trên cơ sở các chỉ tiêu này, từng ngành, lĩnh vực xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng.
Hệ thống các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp Nhà nước cải cách thể chế, nhất là thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, kiểm soát nhập siêu; tăng cường bảo hữu sở hữu trí tuệ, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, xử lý nghiêm khắc các vi phạm. Phấn đấu giảm lãi suất, bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm trên 18%, tập trung cho các lĩnh vực, đối tượng ưu tiên.
Khẩn trương hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư, tăng cường huy động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34 - 35% GDP. Tăng cường kỷ luật tài chính, triệt để tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường chứng khoán. Điều chỉnh phù hợp theo lộ trình giá điện, nước, các dịch vụ y tế, giáo dục... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo.
Khai thác dầu thô hợp lý, bảo đảm hiệu quả, có phương án xử lý tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ các loại khoáng sản đang tồn đọng. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch. Theo dõi diễn biến, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, ổn định, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng.
Giám sát chặt chẽ các ngân hàng
Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu sau khi được thông qua.
Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặc biệt; thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia cơ cấu lại; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.
Thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Chủ động cung cấp đầy đủ thông tin; đưa tin đúng, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tránh gây tác động xấu, tạo dư luận bất lợi đến sự phát triển ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường tài chính, tiền tệ.