Phó Thủ tướng: Ngành than phải tái cơ cấu mạnh mẽ

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù công tác tái cấu trúc Tập đoàn đã đạt được nhiều thành tựu, song Phó Thủ tướng yêu cầu TKV cũng cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc Tập đoàn, tái cấu trúc sản phẩm, lựa chọn lại những lĩnh vực cần tập trung để phát triển.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, doanh thu tổng số toàn Tập đoàn các công ty trong năm 2016 là 101,18 nghìn tỷ đồng, bằng 100 % so với kế hoạch và bằng 95% thực hiện năm 2015.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Lợi nhuận của TKV trong năm 2016 đạt trên 800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015. Nộp ngân sách Nhà nước 14,31 nghìn tỷ đồng, bằng 118,2% so với năm 2015.
Tổng số lao động của Tập đoàn là 112.800 người; trong đó lao động cho sản xuất than là 77.000 người. Tiền lương thực lĩnh bình quân của người lao động toàn Tập đoàn đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng, tương đương mức tiền lương năm 2015; trong đó sản xuất than đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng. Tiền lương bình quân của thợ lò đạt 13,1 triệu đồng/người/tháng.
Về công tác tái cơ cấu của TKV, tính đến nay, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 61 doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn, số tiền thu được sau thoái vốn đạt gần 2.000 tỷ đồng; giảm số đầu mối các đơn vị thuộc Tập đoàn từ 66 xuống 49 đơn vị.
Về mục tiêu trong năm 2017, ông Đặng Thanh Hải cho biết, năm 2017, TKV hướng tới mục tiêu tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 106.865 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Lợi nhuận đạt 1.000 tỷ đồng. Tiền lương bình quân chung toàn Tập đoàn đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 5,3% so với 2016); trong đó sản xuất than 9,8 triệu đồng/người/tháng (tăng 5% so với năm 2016).
Muốn mạnh phải có cơ cấu hợp lý
Đánh giá về những kết quả đã đạt được của TKV, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, trước những khó khăn của năm 2016, TKV đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển theo kế hoạch: Các giải pháp về thị trường, giải pháp về quản trị doanh nghiệp, quản trị tài nguyên, quản trị chi phí, quản trị nguồn nhân lực...
“Đặc biệt, về tái cơ cấu doanh nghiệp, TKV được Chính phủ đánh giá là một trong những tập đoàn triển khai quyết liệt và hiệu quả việc tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ theo Đề án đã được duyệt”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, TKV còn một số tồn tại, hạn chế như: Tai nạn lao động tăng cả về số vụ và số người chết so với năm 2015; lượng than tồn còn ở mức cao (10,2 triệu tấn); một số dự án đầu tư xây dựng triển khai còn chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến mục tiêu đề ra; việc ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hàm lượng kỹ thuật trong việc sản xuất chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chính của Tập đoàn còn chậm được đổi mới, dẫn đến giá thành cao, không có sức cạnh tranh với một số sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là than cho các nhà máy nhiệt điện).
 
Đặc biệt, trong năm 2016, TKV còn để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, gian lận thương mại trong sản xuất, tiêu thụ than. Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn, thiếu việc làm, nhà ở chưa có hoặc kém chất lượng.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng yêu cầu sang năm 2017, TKV cần tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Đặc biệt là việc khai thác, chế biến, kinh doanh than đáp ứng được nhu cầu than trong nước, nhất là bảo đảm đủ than cung cấp cho sản xuất điện và các lĩnh vực khác.
“Phải xây dựng TKV thành tập đoàn kinh tế mạnh. Muốn vậy, phải có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những lĩnh vực chủ chốt là kinh doanh, khai thác than để bảo đảm an ninh năng lượng. Đồng thời, TKV phải là doanh nghiệp Nhà nước chủ lực trong việc bảo đảm cung cấp than cho nền kinh tế, không chỉ là khai thác than, mà phải cả nhập khẩu, bảo đảm sức cạnh tranh, vận hành an toàn của những nhà máy sử dụng nhiên liệu than”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, TKV hiện mới chỉ chủ động cung cấp than sử dụng trong nội địa, cần chủ động vươn lên trở thành DN nhập khẩu uy tín, sức cạnh tranh cao trên cơ sở kinh tế thị trường, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá thành như hiện nay.
Mặc dù công tác tái cấu trúc Tập đoàn đã đạt được nhiều thành tựu, song Phó Thủ tướng yêu cầu TKV cũng cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc Tập đoàn, tái cấu trúc sản phẩm, lựa chọn lại những lĩnh vực cần tập trung để phát triển, dừng, hoãn những dự án chưa thực sự cấp bách. Tổ chức lại bộ máy, sắp xếp nhân sự, đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất lao động.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ môi trường để vừa khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản ở Quảng Ninh, Tây Nguyên, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư. Kiên quyết không đầu tư, triển khai các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Về người lao động, Phó Thủ tướng nhìn nhận, Tập đoàn là đơn vị sử dụng rất nhiều người lao động nên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác an toàn lao động để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn chết người và sự cố lớn, chú trọng chăm lo công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
“Các đồng chí phải chú trọng đến việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần về: Nhà ở, giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống của công nhân… Sắp tới Tết Nguyên đán 2017 lại càng cần quan tâm, bảo đảm cái Tết no ấm cho công nhân ngành than”, Phó Thủ tướng nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần