Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 6/6, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập đến việc phát triển doanh nghiệp. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.
 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Hiện cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể; đóng góp quan trọng trong thu hút lao động và tăng trưởng kinh tế trong các ngành, lĩnh vực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu".
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.
Tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. Như so sánh với một số nước, Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo; đồng thời tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...".
Xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); ban hành Chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. "Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ: AVG; "Vũ nhôm"; "Út trọc", Thép Thái Nguyên…)".
Đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…).
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần