Phó Thủ tướng: Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các dự án lớn giải ngân chậm

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các dự án lớn giải ngân chậm.

Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến nhưng còn hạn chế
Theo Phó Thủ tướng, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu hoàn thành việc giải ngân đầu tư công theo kế hoạch.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2019 đạt gần 100.000 tỷ đồng, bằng gần 29% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (27,4%).
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ thực trạng một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp; chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; còn chậm chễ trong thực hiện quy trình, thủ tục, đấu thầu, triển khai và kiểm tra, giám sát thực hiện. Vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật trong đầu tư công.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn sáng 6/6.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các dự án lớn giải ngân chậm. Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Đông thời, tập trung chấn chỉnh công tác đấu thầu, thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, mua sắm công qua mạng; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công, thanh quyết toán công trình.
Điều chỉnh kế hoạch từ các bộ ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, để khắc phục các bất cập, tồn tại trong các quy định pháp luật về đầu tư công, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế “xin - cho”, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm…
Sau khi Dự án Luật được thông qua, Chính phủ sẽ nghiêm túc tổ chức triển khai, đưa các quy định của Luật sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, phát huy hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này đối với nền kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện đột phá chiến lược xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết của Đảng.
CPTPP phát huy tác dụng với nền kinh tế
Về giải pháp phát huy hiệu quả cơ hội to lớn của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhất là Hiệp định CPTPP, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện khi Hiệp định, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện CPTPP. Cho đến nay, đã có 21 bộ ngành, 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP.
Chính phủ cũng đang xây dựng, sửa đổi 8 luật liên quan đến việc thực hiện cam kết CPTPP; 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều của các Luật: Cạnh tranh, Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương, An toàn thực phẩm…
Trong 4-5 tháng qua, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên CPTTP đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như với Canada tăng tới 70%, Mexico tăng hơn 80%, với Nhật Bản tăng 4%. Điều đó cho thấy CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải tận dụng các cơ hội của Hiệp định để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường thành viên.
Ngoài ra, CPTPP là FTA thế hệ mới, có nhiều đòi hỏi và tiêu chuẩn cao, đem lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Ngay với lĩnh vực dệt may mà Việt Nam có thế mạnh thì cần đảm bảo chặt chẽ tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hoá thì mới có thể tận dụng được những ưu đãi về thuế trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, CPTPP có điều khoản cho phép doanh nghiệp có thể khởi kiện Chính phủ, do đó đòi hỏi phải thực hiện đúng các quy định của CPTPP.
Phó Thủ tướng Bình Minh cho biết Chính phủ sẽ đẩy nhanh công tác hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý; nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết của Việt Nam và cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.