Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Tập trung nguồn lực, xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Tư pháp phải tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư.

Ngày 24/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.

Tập trung rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn

Theo báo cáo tổng kết công tác Tư pháp năm 2019, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác. Công tác chỉ đạo điều hành của toàn ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành được đẩy mạnh. Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện. Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu; công tác THADS đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm… Những kết quả đó tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.

Năm 2020, ngành Tư pháp tập trung các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngành Tư pháp sẽ tập trung rà soát, xác định những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của đất nước để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi kịp thời. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 Quang cảnh tại điểm cầu UBND TP Hà Nội

Để công tác tư pháp năm 2020 đạt hiệu quả cao hơn, ngành Tư pháp tập trung tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL. Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ THADS xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước…

Quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị: Thứ nhất, Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đảm bảo việc hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên và khai thác những lợi thế từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hạn chế những tác động tiêu cực thông qua việc xây dựng các biện pháp phòng vệ, hàng rào pháp lý. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực. Nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước.

 Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn song song với nâng cao chất lượng dịch vụ và yêu cầu quản lý nhà nước với bước đi, lộ trình. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm phát huy tối đa, hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các hội nghề nghiệp như đoàn luật sư, hội luật gia, hội công chứng...

Thứ tư, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế, phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư.

Thứ năm, cần chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao nhận thức chính trị, phòng ngừa các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ.

Thứ sáu, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức pháp chế. Các sở Tư pháp tham gia tích cực vào triển khai các nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành, địa phương; đồng thời, tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp địa phương cũng cần phối hợp tốt hơn nữa với Bộ Tư pháp trong triển khai các nhiệm vụ.