Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cải thiện môi trường kinh doanh “nóng - ấm không đều”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là “trên nóng dưới lạnh” mà “nóng - ấm không đều”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói về thực trạng cải thiện môi trường kinh doanh, được tổ chức sáng nay 15/3. Đồng thời, ông nhấn mạnh, Nghị quyết 19 năm 2018 sẽ không chỉ đo đếm công việc tại các bộ ngành đã làm được mà còn có sự so sánh giữa các đơn vị.

Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong mấy năm qua đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện; đặc biệt, năm 2017 tăng 14 bậc từ vị trí 82 lên vị trí 68. 
Tuy vậy, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, cho rằng tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, một số nơi thực hiện còn rất chậm. “Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn. Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng”, nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn “lạnh”. Nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa “nóng”. Bộ trưởng “nóng” nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa “nóng”, các chuyên viên còn “lạnh”, thậm chí rất “lạnh”…”.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Theo công bố của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, đến nay mới chỉ 2 bộ hoàn thành mục tiêu bãi bỏ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), gồm Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng. Còn các bộ, ngành khác đã làm nhưng chưa đạt số lượng, thậm chí nhiều Bộ đến nay mới rà soát, chưa có phương án thay đổi nên chưa đề xuất được ĐKKD cần bãi bỏ. Một số bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu; số ĐKKD bãi bỏ thấp xa so với yêu cầu; chủ yếu là sửa đổi. Thậm chí có bộ còn chưa có báo cáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), có bộ ngành (Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước) còn đề nghị giữ nguyên ĐKKD như hiện hành.

Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được 10 điểm % so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm % số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Kết quả đạt được là không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương và còn khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra là đạt mức trung bình của các nước ASEAN4.
Tăng cường đối thoại

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận xét, không chỉ là “trên nóng dưới lạnh” mà “nóng - ấm không đều”. Nguyên nhân do trước đây tập trung vào một số chỉ tiêu chính nên bộ, ngành nào liên quan đến mấy chỉ tiêu chính thì có “nóng”, như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, thậm chí còn rất “nóng”. Nhưng còn lại thì chưa “nóng”.

Phó Thủ tướng chia sẻ: Tôi trao đổi với Giám đốc WB, vừa qua có đoàn cấp cao Maroc tới làm việc với WB, họ rất quan tâm Việt Nam làm thế nào (họ xếp thứ 69 còn ta xếp thứ 68 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh). Nói vậy để thấy ta phải nỗ lực rất nhiều.

“Dù 20 năm phát triển nhưng thu nhập trên đầu người của Việt Nam vẫn đứng 125 trên thế giới. Chúng ta được cộng đồng thế giới đánh giá cao nhưng chỉ số phát triển nguồn nhân lực vẫn đứng 115-120 trên thế giới. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn cả Lào. Thách đố đặt ra cho năm 2018 rất lớn. Phải nỗ lực vượt bậc mới cải thiện được”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng thì cần DN phát triển, song muốn DN phát triển phải cải thiện môi trường kinh doanh. 4 năm liền thực hiện Nghị quyết 19, năm nào cũng tốt hơn, đặc biệt 2017, nhưng năm 2018 lại khác. Phó Thủ tướng cho biết, năm nay kết hợp 2 mũi, tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, địa phương chủ yếu là đốc đầu việc tiến độ. Mũi thứ hai là kinh nghiệm của năm vừa qua đặt ra là phải đối thoại.

“Tới đây là làm mạnh hơn. Phải tính kết quả cuối cùng vấn đề vướng mắc đó được tháo gỡ chưa, yêu cầu lần này ngoài thực hiện Nghị quyết 19 có so sánh giữa các bộ với nhau và với các tỉnh. Có nghĩa, không chỉ đo đếm tại các bộ ngành mà còn có sự so sánh giữa các đơn vị.”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tăng cường giám sát của người dân, DN

Cần tăng cường vai trò giám sát của người dân, DN đối với việc thực thi của các bộ, ngành. Bởi chính Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng từng yêu cầu các Bộ phải cắt giảm điều kiện thực sự. Cần cập nhật thêm một số chỉ số, thước đo mới của quốc tế vào trong Nghị quyết 19 để bắt kịp với thế giới khi họ thay đổi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.