Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chưa cần thiết thực hiện giãn cách xã hội

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, một số ý kiến đề cập đến giải pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định “đến thời điểm này, chưa cần thiết giãn cách xã hội”.

Khoanh vùng nhanh nhất và gọn nhất có thể
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ khi bắt đầu bùng phát dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ nhiễm cao, có ca bệnh sớm nhất. Nhờ thực hiện nhất quán các biện pháp phòng, chống dịch trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân, sự hỗ trợ, hợp tác của quốc tế, đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước chống dịch tốt nhất thế giới.
Cập nhật đến ngày hôm nay, xét về tổng số ca nhiễm, Việt Nam đứng khoảng thứ 176 trên thế giới, còn số ca bệnh/100 triệu dân thì chúng ta đứng khoảng thứ 114/200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều đó thể hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược trong phòng chống dịch của Việt Nam đến giờ phút này hoàn toàn đúng đắn.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chưa cần thiết thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam
Ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu sẵn sàng điều trị  nhưng đầu tiên không được để số ca nhiễm nhiều. Bởi một nền y tế như của Việt Nam nếu có nhiều người nhiễm thì hậu quả sẽ khôn lường. Lực lượng tham gia phòng, chống dịch là cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn thể Nhân dân.
“Vì vậy, công tác truyền thông của chúng ta cũng để phục vụ cho toàn dân tham gia phòng, chống dịch. Các nguyên tắc, bước đi, phương châm chống dịch cũng được xác định rất rõ: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực. Những nguyên tắc đó đến giờ phút này không thay đổi. Đến giờ phút này, thực tiễn đã chứng minh Việt Nam không chỉ chống dịch tốt, mà kinh tế vẫn tăng trưởng, chi phí, tổn thất do phòng, chống dịch vẫn là thấp so với các nước. Vị thế của đất nước tăng lên cũng có một phần do thành công trong phòng, chống dịch”-Phó Thủ tướng nói.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, theo Phó Thủ tướng, nước ta phải cân nhắc giữa áp dụng cách ly, giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Ban Chỉ đạo từ trước đến nay là khoanh vùng nhanh nhất và gọn nhất có thể. Trường hợp khoanh vùng nhanh nhất nhưng chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn. Nhưng các đơn vị, địa phương phải khẩn cấp xác định những yếu tố dịch tễ để nếu có thể thì thu hẹp phạm vi khoanh vùng. “Những vấn đề lớn trong chiến lược chống dịch là xuyên suốt, không thay đổi. Chúng ta luôn nhìn nhận nghiêm túc những gì chưa tốt trong công tác phòng, chống dịch để điều chỉnh"-Phó Thủ tướng nói.
Có vaccine, chống dịch mới căn cơ, lâu dài
Phó Thủ tướng khẳng định, những quan điểm từ trước đến nay của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đều dựa trên những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng chiến lược của Trung ương, giao trách nhiệm cho các địa phương trên tinh thần “4 tại chỗ”. Các địa phương căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn để có biện pháp chống dịch cần thiết.
Lưu ý một số khâu trong các biện pháp chống dịch cần thiết, Phó Thủ tướng nêu rõ, các địa phương chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị theo kịch bản chung của toàn quốc. Trước đây, Chính phủ giao Bộ Y tế chuẩn bị cho kịch bản 10.000 ca nhiễm, nhưng do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tình hình quốc tế phức tạp hơn, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng kịch bản cho tình huống có 30.000 ca nhiễm. Căn cứ kịch bản chung, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn xuống các tỉnh để chuẩn bị. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, dựa trên các biện pháp chuyên môn, các tỉnh có biện pháp phù hợp, chống dịch an toàn, thực hiện “mục tiêu kép”.
 Quang cảnh giao ban báo chí hàng tuần của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: VGP/Đình Nam
Về vaccine phòng Covid-19, Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến chống đại dịch này, Việt Nam đã đề ra mục tiêu tập trung toàn lực nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước và khi thế giới phát triển vaccine thành công, nước ta đã tìm mọi cách đàm phán để có vaccine sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân nhất. Tuy nhiên, do nguồn vaccine khan hiếm, đến nay, nước ta mới nhập được một số lượng hạn chế. Bộ Y tế đang rất tích cực, bằng mọi cách để có vaccine sớm nhất và dự kiến cuối năm 2021 nước ta sẽ có thêm một lượng vaccine nhất định, và nếu tiêm hết cũng chưa đủ để miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, ít nhất từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch giống như khi chưa có vaccine.
Phải “bao đê cho chặt”, kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh
Để chủ động phòng, chống dịch hiệu quả, Chính phủ kêu gọi mọi người dân nhận thức rõ trách nhiệm với chính mình, với người thân, với đất nước, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Chính phủ cũng kêu gọi mọi người dân cùng tham gia ngăn chặn, phát hiện người nhập cảnh trái pháp.
“Việt Nam như “cánh đồng trũng”, bên ngoài “sóng to, gió lớn” chúng ta phải “bao đê cho chặt”, kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh. Mỗi lần rà soát lại, những gì còn chưa kín kẽ ở khâu kiểm soát xuất nhập cảnh thì phải hoàn thiện”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần