Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý”

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 1/11, về triết lý giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý.

Theo Phó Thủ tướng: Các nước trên thế giới đều có triết lý của mình. Nhưng một số nước đúc kết thành câu ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm.
Đất nước ta có rất nhiều câu, dễ thấy nhất là quốc hiệu, trước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, bây giờ là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta tìm thấy trong đó như một triết lý. Giáo dục cũng có nhiều như phát triển con người đức, trí, thể, mỹ. Nước ta cũng nói đầy đủ 4 trụ cột giáo dục UNESCO hay 4 mục tiêu học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình. Gần đây, UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Những điều này nằm trong Nghị quyết hay văn bản có tính chất quy phạm pháp luật.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tới đây, khi bàn sửa Luật Giáo dục, một trong những điều đầu tiên của luật là mục tiêu giáo dục. “Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo nhiều cuộc thảo luận để đưa vào cô đọng nhất những vấn đề đặc trưng mục tiêu và có tính triết lý của giáo dục Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi khẳng định lại giáo dục Việt Nam có triết lý của mình chứ không thể nói không có triết lý”.
“Đề nghị ĐB nếu quan tâm có thể tham gia vào các buổi trao đổi mà Bộ GD&ĐT và nhiều hiệp hội đang thảo luận sôi nổi để đóng góp vào Luật Giáo dục”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Sẽ thiết kế SGK theo hướng hạn chế viết, vẽ vào được
Trước đó, trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) về vấn đề lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng lãng phí SGK là có thật. Theo ông, có nhiều nguyên nhân, trước hết do thiết kế SGK hiện hành có nhiều bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp vào SGK dẫn đến không sử dụng được nhiều lần, gây lãng phí. Dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, việc này chưa phù hợp và gây lãng phí.
Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế lãng phí. Một số SGK đã có hướng dẫn thầy cô không cho học sinh viết vào sách mà ghi vào vở. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh SGK để bền lâu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này còn hạn chế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về vấn đề này.
“Trước phản ánh của ĐB Quốc hội và cử tri và dư luận, Bộ đã tiếp thu, ban hành chỉ thị 3798 chỉ đạo các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm SGK hợp lý và hướng dẫn học sinh biết giữ gìn SGK. Tới đây, khi biên soạn SGK mới, Bộ yêu cầu các NXB thiết kế theo hướng hạn chế việc viết, vẽ trực tiếp vào sách”, tư lệnh ngành GD&ĐT nói.
Bộ đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn SGK, đặc biệt giải pháp quyên góp, xây dựng thư viện SGK để học sinh được sử dụng miễn phí, hỗ trợ vùng khó khăn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước.