Phối hợp kiểm soát thú y giữa Hà Nội và các tỉnh, TP: Ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm

Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y 24 tỉnh, TP khu vực phía Bắc trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó đã góp phần quản lý tốt dịch bệnh và ATTP trên địa bàn Thủ đô.

 Cán bộ Chi cục Thú y Hà Nội kiểm soát chặt vệ sinh thú y tại các lò giết mổ.
Nhiều kết quả tích cực
Sau khi ký kết chương trình hợp tác, việc phối hợp trong công tác phòng chống dịch, trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh giữa các tỉnh với Hà Nội đã có sự chặt chẽ hơn. Qua đó chủ động triển khai các biện pháp phù hợp phòng dịch và phối hợp kiểm soát, truy tìm nguồn gốc các chủ buôn bán gia cầm nhập lậu, giúp cho việc ngăn chặn gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc về các chợ đầu mối có hiệu quả, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đơn vị còn trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, thường xuyên thông tin cho nhau về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, cảnh báo nguy cơ để các bên chủ động trong công tác phòng ngừa.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, động vật, sản phẩm động vật từ địa bàn 24 tỉnh, TP ký kết phối hợp được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội là hơn 800.000 con, trong đó lợn hơn 22.000 con, gia cầm hơn 770.000 con; sản phẩm động vật 117,2 tấn.
Cùng với đó, phối hợp trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP. Phần lớn số gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển lưu thông số lượng lớn giữa các tỉnh tham gia ký kết thỏa thuận phối hợp đều được tiêm phòng, được thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại nơi xuất phát, được cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ. Thực hiện Thông tư 25/2016/BNNPTNT, nhiều Chi cục Thú y đã thực hiện gửi thông tin hàng ngày đối với kiểm dịch động vật làm giống xuất tỉnh. Đồng thời tổng hợp gửi thông tin hàng tuần, hàng tháng về việc cấp giấy kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn và từ địa bàn đi các tỉnh, TP để cùng phối hợp kiểm tra, giám sát, truy xuất nguốn gốc khi có yêu cầu.

Đặc biệt, thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm như giấy kiểm dịch không hợp lệ, vận chuyển không có giấy kiểm dịch, thủ tục kiểm dịch không đúng… để phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục Thú y Hà Nội đã thực hiện kiểm dịch, cấp giấy kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tới địa bàn 24 tỉnh, TP ký kết phối hợp đạt hơn 4 triệu con, trong đó lợn hơn 180.000 con, gia cầm hơn 3,8 triệu con…; sản phẩm động vật hơn 17.500 tấn.

Tiếp tục tăng cường phối hợp

Nhờ trao đổi thông tin về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giữa các tỉnh, TP được thực hiện thường xuyên, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đã khắc phục được nhiều tồn tại, việc cấp giấy kiểm dịch cơ bản đã khắc phục và chấn chỉnh được những thiếu sót, vi phạm; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh và chính xác hơn. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật đảm bảo ATTP của các tỉnh, TP tại Hà Nội, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển vẫn còn những sai sót như phương tiện vận chuyển không đúng như trong giấy kiểm dịch, chủng loại số lượng sản phẩm không khớp giữa hồ sơ và thực tế… Ngoài ra, việc cung cấp thông tin kiểm dịch giữa các Chi cục Thú y còn chưa đầy đủ, chi tiết, một số tỉnh chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo ATTP, chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nên tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội còn thấp.

Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, truy xuất nguồn gốc để quản lý dịch bệnh, ATTP. Để làm tốt hơn công tác này, đề nghị Cục Thú y tham mưu Bộ NN&PTNT kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sát thực tế vừa kiểm soát tốt động vật, sản phẩm động vật đưa vào kinh doanh vừa tạo thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh. Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi - Thú y các tỉnh, TP chủ động thông tin cho nhau tình hình dịch bệnh, sản phẩm xuất đi, các cơ sở đủ điều kiện ATTP, các quy định đặc thù về thú y của địa phương mình...