Phối hợp liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính: Khắc phục hạn chế để tăng hiệu quả

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo quy chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan thuộc TP đã góp phần đáng kể giúp nền hành chính dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp hơn, nhất là mang lại nhiều thuận tiện cho người dân. Song, thực tế việc triển khai đến nay thể hiện còn không ít hạn chế cần sớm được khắc phục, mới có thể đạt được hiệu quả tối đa.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Ngăn chặn tình trạng sách nhiễu

Theo Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND TP), hiệu quả rõ nét từ thực hiện quy chế phối hợp liên thông là đầu mối kiểm soát TTHC được thiết lập tới cấp xã, với thành phần theo đúng hướng dẫn của Chính phủ. Nhiều TTHC, quy định hành chính ở các lĩnh vực trọng tâm (KH&ĐT, xây dựng, tài nguyên, GD&ĐT, LĐTB&XH, y tế…) được rà soát đơn giản hóa, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Giai đoạn 2015 - 2019, TP đã hoàn thành rà soát, đơn giản hóa tổng số 481 TTHC thuộc rất nhiều lĩnh vực, giúp tiết giảm chi phí thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ước tới trên 91 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, thực hiện Một cửa liên thông, 5 năm qua, toàn TP tiếp nhận hơn 66,2 triệu hồ sơ thì đã giải quyết đúng hạn trên 65,7 triệu, đạt tỷ lệ 99,18%. UBND TP đã ban hành nhiều quyết định, quy chế để thực hiện liên thông TTHC trong đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí (15 thủ tục); cấp phiếu lý lịch tư pháp - giấy phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn TP (1 thủ tục); đăng ký khai sinh - cấp thẻ BHYT - đăng ký thường trú cho trẻ dưới 6 tuổi…

Cần rõ quy chế phối hợp giữa các cơ quan

Dù đạt kết quả tích cực, song Thạc sĩ Nguyễn Thanh Nga, Phó Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND TP) nhận định: Triển khai các quy chế phối hợp liên thông do phải bảo đảm thời gian và không được tăng mức phí hay mức bù đắp chi phí của quá trình vận chuyển hồ sơ giữa các đơn vị (khi chưa ứng dụng được chữ ký số, chưa có hệ thống chuyển hồ sơ điện tử), nên việc phát sinh chi phí thực hiện vẫn đang tính vào chi phí của cơ quan hành chính Nhà nước. Cùng với đó, để bảo đảm thời gian theo yêu cầu, cán bộ công chức (CBCC) đang phải tự rút ngắn thời gian giải quyết của khâu mình, khiến tăng áp lực đến đội ngũ này. Đồng thời, cơ chế giải quyết tình huống phát sinh khi xảy ra chậm muộn, thất lạc hồ sơ, hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết của khâu sau… mới được quy định chung, nên các đơn vị gặp vướng mắc; chưa rõ trách nhiệm cơ quan nào phải xin lỗi nếu hồ sơ chậm muộn (khi việc nộp hồ sơ chỉ thực hiện tại một cơ quan đầu mối)...

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Nga, quá trình xây dựng dự thảo các quy chế liên thông còn một số câu hỏi chưa rõ lời giải: Việc xác định cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp và vai trò các cơ quan này thế nào trong chuỗi quy trình? Xác định thời gian tại từng đơn vị, thời gian chuyển hồ sơ giữa các cơ quan, phương thức chuyển hồ sơ (điện tử/thủ công) và mức phí vận chuyển được tính ra sao, đơn vị nào chịu?

Từ đó, đại diện Phòng Kiểm soát TTHC đề xuất, điều kiện để thực hiện và cũng là giải pháp duy nhất để giải đáp những vướng mắc này chính là phải xây dựng, ban hành quy chế phối hợp liên thông giữa cơ quan đầu mối và các cơ quan phối hợp. Quy chế phải đủ sức mạnh tạo gắn kết giữa cơ quan đầu mối và cơ quan phối hợp trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Song song đó, quy chế phối hợp phải được thể hiện bằng văn bản quy phạm do UBND TP ban hành, trong đó xác định cơ quan được phân công làm đầu mối trong số các cơ quan tham gia phối hợp. Cơ quan đầu mối có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, cung cấp thông tin về các quy định khi tiến hành TTHC, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện cùng tham gia, nhận kết quả do cơ quan phối hợp chuyển đến. Các cơ quan phối hợp có trách nhiệm kịp thời thực hiện TTHC do cơ quan đầu mối chuyển tới theo đúng quy định trong quy chế phối hợp. Cùng với đó, cần quy định cụ thể khen thưởng CBCC, cơ quan thực hiện tốt và xử lý kịp thời cá nhân, cơ quan vi phạm; định kỳ các cơ quan phối hợp rút kinh nghiệm, xử lý ngay nếu có ách tắc, mâu thuẫn…
Cần có cơ chế thống nhất chung quy định với các mức phí phát sinh trong quá trình luân chuyển/xác minh tính chính xác của các thành phần hồ sơ liên thông, quy định đối tượng chịu phí vận chuyển này. Cũng cần yêu cầu ứng dụng CNTT, chữ ký số, hệ thống thông tin dữ liệu vào thực hiện quy chế liên thông, song phải có nguyên tắc.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Nga, Phó Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND TP)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần