Phòng bệnh cho trẻ trong dịp Tết

Nam Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời tiết mùa Đông Xuân là môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan như các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, truyền nhiễm. GS.TS Phạm Nhật An - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư đã khuyến cáo phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong thời điểm này.

 Ảnh minh họa
Thưa ông, trẻ nhỏ hay mắc bệnh gì vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán?
- Tết là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột kèm theo mưa, độ ẩm, chênh lệch ngày đêm, ảnh hưởng đến sự thích nghi của cơ thể. Trẻ em kém đề kháng hơn người lớn nên dễ mắc bệnh. Bệnh hay gặp nhất trong dịp này là hô hấp, tiếp đến là bệnh tiêu hóa, viêm kết mạc và các bệnh về da…

Cha mẹ nên chuẩn bị tủ thuốc ở nhà như thế nào cho trẻ dùng khi cần thiết, thưa ông?

- Tủ thuốc gia đình không phải dịp Tết mới chuẩn bị mà nên có sẵn thường xuyên đối với mọi gia đình. Tủ thuốc để trợ giúp ban đầu, như các loại dụng cụ để chữa vết thương ban đầu, có thể có cồn, thuốc đỏ, bông băng... Ngoài ra, mọi người cũng nên chuẩn bị sẵn thuốc giảm sốt (khi trẻ sốt trên 38,5oC thì cho uống), thuốc bù trừ rối loạn tiêu hóa (oresol) giảm thiểu nguy cơ nặng cho trẻ. Các bậc phụ huynh lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và phải pha đúng liều lượng. Các loại thuốc khác cần có kinh nghiệm mới nên sử dụng gồm thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai, nhỏ mũi, thuốc kháng viêm alpha chymotrypsin cùng một số loại thuốc ho. Nếu trẻ hay bị bệnh về tiêu hóa có thể có men vi sinh, berberin... Chúng tôi không khuyến cáo tủ thuốc gia đình có chứa kháng sinh, bởi kháng sinh chỉ sử dụng khi được bác sĩ kê đơn.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với trẻ nhỏ trong dịp Tết, ông có khuyến cáo gì?

- Khi Tết đến, cha mẹ thường bận rộn, không còn thời gian chăm bữa ăn cho con. Đối với những trẻ biếng ăn, khi không được chăm sóc đầy đủ, trẻ ăn không đủ dinh dưỡng, thiếu rau tươi, thực phẩm tươi khiến sức khỏe giảm sút. Còn đối với trẻ háu ăn, nếu không kiểm soát, trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu năng lượng, giàu đạm dễ gây nguy cơ thừa cân, béo phì. Bởi vậy, chúng tôi khuyến cáo, dù cha mẹ bận rộn, vẫn phải để ý đến chế độ ăn cân bằng, đủ các nhóm thực phẩm cho trẻ, ngoài đường, bột, phải có đủ đạm, nhóm có rau xanh, không quên chất béo, và tăng cường thể lực, vận động,...

Được biết, tại các cơ sở y tế thời gian gần đây tiếp nhận khá nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng, các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch bệnh này có thể lây lan mạnh trong dịp Tết, vậy cách phòng bệnh thế nào, thưa ông?

- Tiết giao mùa hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh này, mọi người cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám kịp thời.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần