Phòng bệnh cho vật nuôi: Đừng để cái sảy nảy cái ung

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế rút ra từ đợt bùng phát dịch lở mồm long móng (LMLM) vừa qua có thể thấy rằng, việc chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp tối ưu, quan trọng hàng đầu trong việc phòng, chống dịch.

Bài học đắt giá
Dù dịch LMLM đã qua hơn một tháng nay nhưng một số hộ chăn nuôi có đàn lợn mắc dịch LMLM ở xã Vật Lại, Ba Vì vẫn chưa nguôi ngoai. Đứng tần ngần bên chuồng lợn trống hoác của gia đình, chị Nguyễn Thị Chung tiếc nuối nói: “Bao nhiêu vốn liếng, công sức của cả gia đình đều “đội nón” ra đi vì dịch LMLM. Tất cả cũng tại tôi chủ quan nghĩ lợn thương phẩm nhanh được xuất chuồng nên không tiêm phòng”. Cùng chung cảnh ngộ với chị Chung, gia đình chị Trần Thị Hà (Mỹ Đức) cũng phải tiêu hủy gần chục con lợn thương phẩm mắc bệnh LMLM. “Giá mà tiêm phòng ngay từ đầu thì đâu đến nỗi. Mọi năm gia đình tôi đều chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn nhưng riêng năm nay chủ quan không tiêm thì mắc dịch ngay, đúng là cái sảy nảy cái ung” - chị Hà chia sẻ.
Chủ động tiêm phòng cho vật nuôi để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Phương Nga
Trong đợt bùng phát dịch LMLM vừa qua, Hà Nội có 37 thôn, 22 xã thuộc 7 huyện có dịch, làm gần 1.000 con lợn thương phẩm mắc bệnh và đã được lực lượng thú y cùng chính quyền địa phương tiêu hủy, chủ yếu là lợn thương phẩm. Đến nay, các ổ dịch LMLM trên địa bàn TP đều đã qua 21 ngày và không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh. Đáng nói, 100% lợn nái, lợn đực giống và đàn trâu, bò trên địa bàn được an toàn trước dịch, bởi được tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Chủ động phòng bệnh

Trong khi các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ lao đao trước dịch LMLM, thì các cơ sở chăn nuôi lớn lại không bị ảnh hưởng bởi đã chủ động tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó có thể kể đến HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (Ứng Hòa) hiện đang chăn 17.000 lợn thương phẩm, 3.000 lợn nái và 85 con lợn đực. Chia sẻ về kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, Giám đốc HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh cho hay: Trong chăn nuôi chỉ cần sai một ly là đi một dặm nên để bảo vệ đàn vật nuôi trước các dịch bệnh thì giải pháp hiệu quả nhất là chủ động tiêm phòng các loại vaccine. Ngoài ra, trước khi nhập giống vật nuôi về cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại để triệt tiêu mầm bệnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, năm 2019, dự báo tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên thế giới và trong nước vẫn có nhiều diễn biến khó lường. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao, không chỉ riêng bệnh LMLM mà các bệnh khác như dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, cúm gia cầm, bệnh dại… Cùng với đó, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn TP lớn, chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vẫn chiếm tỷ lệ cao, tình hình thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi... Do đó, cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có hiệu quả với phương châm “phòng bệnh là chính”, kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát chặt dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình; phát hiện sớm, khoanh vùng khống chế, xử lý kịp thời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần