Phòng cháy, chữa cháy rừng: Các địa phương nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp vừa yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh kiểm tra, rà soát kỹ các phương án PCCC rừng ở các cấp…

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa có công điện khẩn về việc PCCC rừng gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao.

Theo đó, công điện nêu rõ: Hiện nay, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp V (cực kỳ nguy hiểm). Thực tế, cháy rừng đã xảy ra ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị…
Để chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ rừng, PCCC rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT các tỉnh kiểm tra, rà soát kỹ các phương án PCCC rừng ở các cấp và từng chủ rừng, bao gồm việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCC rừng, tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn.
Xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực phù hợp theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, làm rẫy; quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn… Tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCC rừng…
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng ở Sơn Tây, Hà Nội.
Tại Hà Nội, được biết, hiện toàn TP có hơn 27.726 ha rừng và đất lâm nghiệp. Rừng gắn liền với các công trình văn hóa lịch sử có lễ hội và tâm linh. Nhiều khu rừng xen kẽ dân cư cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây cháy. Do vậy, lực lượng kiểm lâm luôn chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương, công an, quân đội tổ chức kiểm tra, đánh giá vật tư, trang thiết bị, con người nhằm sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.
Về công tác phòng cháy rừng hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho rằng, ngoài việc phát hiện sớm lửa rừng và xử lý kịp thời, tại chỗ thì việc tăng cường trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ PCCC rừng cần được chuyên nghiệp hóa. Hà Nội nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chữa cháy rừng như ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ lâm sinh.
Lực lượng Kiểm lâm tiếp tục rà soát, xác định vùng trọng điểm cháy rừng trong phương án PCCC rừng; bố trí các điểm chốt chặn, trạm kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; bố trí lực lượng, các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra, phương tiện và có phương án chữa cháy rừng cụ thể cho khu vực này. Duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; phát hiện kịp thời điểm cháy; hướng dẫn khách thăm quan du lịch tại những khu vực trọng điểm cháy rừng cao.
Ngoài ra, phối hợp các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể của tỉnh, TP tăng cường tuyên truyền, triển khai các đợt kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác PCCC rừng tại các vùng trọng điểm...