Phòng cháy chữa cháy tại các chợ: Dừng hoạt động cơ sở không khắc phục vi phạm

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Công an TP Hà Nội, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) còn lơ là về đảm bảo quy định trong PCCC, trong đó có các chợ trên địa bàn Thủ đô.

 Hiện trường vụ cháy chợ Sóc Sơn
Nỗi lo cháy chợ

Theo thống kê của Sở Công Thương, Hà Nội có 454 chợ, trong đó chỉ có 102 chợ kiên cố, 242 chợ bán kiên cố và 128 chợ lánh tạm, với tổng diện tích 170ha, 90 nghìn hộ kinh doanh. Điều đáng lo ngại là nhiều chợ ở các huyện ngoại thành đang xuống cấp, hạ tầng chợ không đáp ứng yêu cầu về công tác PCCC. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản xử phạt hành chính, nhưng do chủ quan, một số ban quản lý (BQL) chợ không lường được hết hậu quả.
Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, qua tổng kiểm tra, rà soát đã phát hiện và đình chỉ hoạt động 892 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn TP không bảo đảm các điều kiện về PCCC. Trong đó, huyện Đông Anh 121 cơ sở; huyện Phúc Thọ 83 cơ sở; Sóc Sơn 69 cơ sở; Mê Linh 57 cơ sở; Chương Mỹ 50 cơ sở; quận Đống Đa 40 cơ sở, quận Hai Bà Trưng 28 cơ sở, Hoàn Kiếm 12 cơ sở.
Điển hình như vụ cháy chợ Sóc Sơn vừa qua, tuy không thiệt hại về người, nhưng tài sản trong 233 gian hàng bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại lên đến 47 tỷ đồng. Hệ luỵ kéo theo là hàng trăm tiểu thương mất nơi kiếm sống một thời gian dài.

Theo cơ quan công an, khoảng 6 giờ sáng ngày 21/6, nhân viên bảo vệ thuộc BQL chợ Sóc Sơn mở cầu dao điện cung cấp đến các sạp hàng kinh doanh, thì người dân phát hiện có cháy tại khu vực bán hàng giày, dép. Thời điểm này, nhân viên bảo vệ thuộc BQL chợ lập tức ngắt toàn bộ hệ thống cầu dao điện, báo lực lượng PCCC và cùng Nhân dân dùng bình bọt chữa chữa cháy nhưng không dập được lửa.
Nhân viên bảo vệ chợ mở khoá vận hành máy bơm chữa cháy, nhưng không hoạt động. Thời điểm này, đám cháy bốc to và lan nhanh sang các quầy hàng liền kề. Sau gần 2 giờ nỗ lực chữa cháy, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Điều đáng nói, vụ cháy được phát hiện khá sớm, nhưng do BQL chợ có nhiều sai phạm trong công tác quản lý PCCC tại cơ sở nên đã xảy ra thiệt hại lớn.

Không đảm bảo chữa cháy tại chỗ

Sau khi khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Vi phạm quy định về PCCC”, Công an TP Hà Nội cho biết, BQL chợ Sóc Sơn có nhiều sai phạm trong công tác PCCC. Cụ thể, BQL chợ không xuất trình được sổ theo dõi hoạt động của máy bơm chữa cháy cố định; không phân công người làm công tác điều tra, vận hành, sửa chữa máy bơm thường xuyên; bình chứa nhiên liệu của máy bơm chữa cháy cạn hở đáy, không trong tình trạng thường trực hoạt động dẫn đến khi xảy ra cháy máy bơm chữa cháy không hoạt động.
BQL chợ không xây bể nước PCCC 200m3 theo yêu cầu của cơ quan chức năng; cũng chưa thực hiện đúng quy định trong công tác quản lý về PCCC chợ từ năm 2017. Đặc biệt, trước vụ cháy xảy ra nửa tháng, Phòng Cảnh sát PCCC số 5 đã ra quyết định xử phạt hành chính BQL chợ về hàng loạt lỗi trong quản lý PCCC. Tuy nhiên, BQL vẫn không khắc phục vi phạm…

Thượng tá Nguyễn Thành Long - Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hà Nội cho biết, qua vụ án trên, các cơ sở kinh doanh chợ trên địa bàn Thủ đô cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về quản lý PCCC, nhất là các cơ sở được xây dựng trước khi có Luật PCCC. Có phương án thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC, đảm bảo các điều kiện chữa cháy tại chỗ nếu xảy ra cháy, nổ.
Trong thời gian tới, Công an TP Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về ANTT không đảm bảo các quy định về PCCC; kịp thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định PCCC; kiên quyết kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở không khắc phục những vi phạm mà lực lượng kiểm tra đã kiến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần