Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Chú trọng hợp tác quốc tế

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chưa có dấu hiệu được khống chế, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại là một trong những giải pháp cần được chú trọng.

Từ ngày 23 – 25/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tổ chức khóa tập huấn và đánh giá bệnh DTLCP cho các nhóm ứng phó ban đầu của Việt Nam. Hàng trăm cán bộ thú y đến từ nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đã được các chuyên gia Mỹ chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Thông qua khóa tập huấn, cán bộ thú y của Việt Nam đã có được những góc tiếp cận và kiến thức hữu ích về dịch bệnh hết sức nguy hiểm trên đàn lợn này.
  Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cho biết, tháng 4/2019, Mỹ nhận được đề nghị từ Bộ NN&PTNT về việc xem xét hỗ trợ Việt Nam ứng phó, kiểm soát bệnh DTLCP. “Chúng tôi coi Việt Nam là đối tác chiến lược. Do đó, Chính phủ Mỹ đã quyết định hỗ trợ Việt Nam về thiết bị chẩn đoán, phòng thí nghiệm, tổ chức thăm và đánh giá thực địa, cũng như các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Mỹ nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh” – Đại sứ Kritenbrink cho biết.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, từ tháng 4/2019, Mỹ đã bố trí gần 1 triệu USD để thực hiện các hoạt động hỗ trợ Việt Nam ứng phó với bệnh DTLCP. Trước đó, khi DTLCP mới bùng phát, Australia đã cử các chuyên gia sang hỗ trợ Việt Nam phân lập và đánh giá các chủng virus để có giải pháp ứng phó ban đầu. Nhiều đoàn công tác của Hà Lan, Nhật Bản… cũng đã sang trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam trong công tác ứng phó với DTLCP.
Theo chia sẻ của đại diện một số đơn vị có hợp tác với Việt Nam trong công tác ứng phó bệnh DTLCP, việc kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam, mà còn có lợi cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời cam kết rằng, việc hợp tác cần có chiến lược lâu dài, vì đây là bệnh dịch dễ bùng phát trở lại, ngay cả khi đã được khống chế thành công.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các quốc gia như Mỹ, Hà Lan, Australia… đều có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam có được những giải pháp hữu hiệu, phù hợp với thực tiễn ứng phó bệnh DTLCP.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam đang ngày một hạn hẹp do bệnh DTLCP lan rộng, những hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dịch tễ học sẽ là giải pháp được ngành nông nghiệp đặc biệt chú trọng trong nỗ lực sớm kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần