Phòng bệnh và “bệnh” chủ quan

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với mọi năm, các bệnh chuyển mùa năm nay xảy ra bất thường: Đến sớm hơn, cường độ mạnh hơn, kéo dài hơn, phức tạp hơn.

Như bệnh sốt xuất huyết, từ tháng 3 đến tháng 9 vẫn chưa dứt, 25 vạn người mắc, mắc cả 4 chủng virus... Nhiều bệnh viện như Bạch Mai, Nhi quá tải, riêng Bệnh viện các bệnh nhiệt đới còn dùng cả hội trường để kê giường tiếp nhận bệnh nhân… 3, 4 bệnh nhân một giường; nhân viên y tế phải làm 3 ca, cho bớt người bệnh về nhà tự điều trị.
 Ảnh minh họa
TP Hà Nội đã huy động mọi lực lượng tham gia dập dịch, lập hàng nghìn tổ nhóm chống dịch, yêu cầu các cơ quan của TP và các bệnh viện T.Ư làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật để khống chế dịch. Tổ dân phố, phường, xã tổ chức các tổ phun thuốc, diệt bọ gậy tình nguyện; trên 6.500 trường học làm vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi… Những cố gắng đó đã hạn chế phần nào muỗi truyền dịch, cụ thể là một tuần nay, số ca nhiễm mới đã chững lại (400 ca so với 700 ca các tuần). Nhưng nói như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trong cuộc họp liên ngành phòng chống sốt xuất huyết, ngoài bệnh sốt xuất huyết, Hà Nội còn các bệnh khác như tay chân miệng, bạch hầu… đang lây lan, cần hết sức đề phòng. Riêng bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng lan ra ngoại thành, nhất là đầu tháng 9, hàng triệu học sinh, sinh viên về Hà Nội bước vào năm học mới. Đây là các đối tượng chưa được tuyên truyền đầy đủ, nơi ở chật hẹp, không được quan tâm vệ sinh, có thể tạo nguồn dịch lớn, cần chú ý phòng dịch bùng phát trở lại.
Có thể nói, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ dân phố, thôn xóm, phường, xã ở Hà Nội đã rất cố gắng, nhưng hạn chế vẫn còn nhiều. Sở dĩ như vậy vì bệnh chủ quan trong dân, trong các đoàn thể và cơ quan Nhà nước còn nặng. Có thể nói đến một vài biểu hiện của tình trạng chủ quan trên, cần sớm khắc phục: Thứ nhất, theo thông lệ, cứ khi nào thị trường khan hiếm thì lập tức hàng hóa đắt lên, xuất hiện hàng lậu, hàng nhái, hàng giả. Cũng như thế, khi nhu cầu sử dụng thuốc diệt muỗi nhiều, thị trường liền xuất hiện hàng giả, kể cả giả hàng của những hãng thuốc lớn, có uy tín. Việc phát hiện, kiểm tra ở các cửa hàng thuốc thú y còn qua loa, chiếu lệ. Tình trạng chủ quan, nể nang này khá phổ biến làm cho thuốc phun nhiều, nhưng không hiệu quả. Thứ hai, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, người dân chưa tích cực hưởng ứng diệt muỗi phòng bệnh. Theo một thống kê, 60% số hộ không tích cực hưởng ứng việc phun thuốc, diệt bọ gậy. Các hộ thường khóa cổng, khóa cửa, nói người nhà đi vắng để không cho đội phun thuốc vào. Nói chung (90% các hộ) chỉ phun thuốc qua loa, không diệt bọ gậy - thủ phạm chính của truyền dịch. Lại có cả hiện tượng vòi vĩnh trong các đội phun thuốc. Thứ ba, trên địa bàn TP có nhiều vũng nước đọng, cống rãnh, ao tù, nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn. Nếu không huy động được dân làm tổng vệ sinh môi trường, giữ gìn xung quanh thông thoáng thì khó có thể diệt muỗi truyền bệnh. Thứ tư, cho đến nay chưa một trường đại học và phổ thông nào có các tổ tuyên truyền tình nguyện, các chương trình ngoại khóa dạy vệ sinh môi trường, những kiến thức cơ bản trong phòng và điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng… Việc tiêm chủng phòng các bệnh trên cho trẻ sơ sinh cũng đang rơi vào thoái trào.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, không thể để cho các loại dịch hoành hành. Phải coi việc phòng và chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, mà trọng tâm là nâng cao ý thức của cả người dân và các cấp có trách nhiệm, tránh chủ quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần