Phòng, chống dịch Covid-19: Giữ chặt bên trong, chặn dịch bên ngoài

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh mẽ ở các nước láng giềng, nhiều nơi, người dân trong nước vẫn xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là.

Trước tình hình này, Chính phủ tiếp tục duy trì chiến thuật chống dịch là giữ thật chặt bên trong, chặn dịch từ bên ngoài.
Thiết lập “lá chắn” tại đường biên

Hàng loạt cảnh báo được chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra để mô tả bức tranh lây lan dịch bệnh ở Campuchia cho thấy đất nước chùa tháp đang phải đối diện với vô vàn nguy cơ hiện hữu, kể cả kịch bản xấu nhất là "vỡ trận" vì Covid-19. Hiện, dịch bệnh tại nước này rất phức tạp vì số ca mắc, ca tử vong không ngừng gia tăng.
Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao cảnh giác với dịch Covid-19 trên tuyến biên giới. Ảnh: Bộ đội Biên phòng An Giang
Việt Nam có tới 10 tỉnh biên giới Tây Nam tiếp giáp vùng dịch nguy hiểm này. Những con số thống kê gần đây từ Bộ Y tế cho thấy, hầu như ngày nào Việt Nam cũng xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 từ các nguồn nhập cảnh (có cả chính ngạch và tiểu ngạch). Điển hình là các địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang... Đặc biệt, 2 tỉnh giáp biên giới với An Giang là Takeo và Kandal đã có hàng trăm ca mắc, nguy cơ dịch bệnh lây lan vào An Giang là rất lớn.

Những ngày qua, 5 đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng và các Thứ trưởng dẫn đầu đã đồng loạt kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các tỉnh biên giới phía Nam và tỉnh Nghệ An. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương siết chặt kiểm soát biên giới.
Ngoài ra, cảnh giác các đối tượng nhập cảnh trà trộn, giả dạng thành người lao động để qua mặt lực lượng chức năng. Bộ trưởng cho rằng, không còn cách nào khác, các địa phương cần phải chủ động huy động các lực lượng lập chốt, trực chiến ở các điểm nóng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bên cạnh tận dụng "tai mắt" của người dân. Bởi với Covid-19, ngăn chặn sự xâm nhập từ xa càng sớm thì mối nguy cho cộng đồng càng giảm đi và ngược lại.

Bài học này đang thể hiện rất tích cực ở giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Trong khi các quốc gia láng giềng đang đối mặt với nguy cơ "vỡ trận" như Campuchia, Thái Lan..., Việt Nam với mục tiêu kép "vừa sản xuất, vừa chống dịch" lại tạo được "điểm nhấn" đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thành quả ấy cần được cả hệ thống chính trị cùng người dân vào cuộc, chung tay gìn giữ.

Dự phòng phải đi trước một bước

"Dịch bên ngoài có lớn, nhưng bên trong nước ta nhanh nhạy, đáp ứng phòng dịch tốt thì hoàn toàn có thể giữ vững được phòng tuyến. Bộ đội, công an, kiểm dịch làm tốt sẽ không có ca nhập cảnh bất hợp pháp, người nhập cảnh chính ngạch được cách ly nghiêm ngặt. Giả sử mầm bệnh bị lọt vào vòng trong thì cũng là ổ nhỏ, dập tắt được ngay, không lây lan" - PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nói. Cũng theo ông, công tác dự phòng phải đi trước một bước, phải kiểm soát thật chặt đường biên giới. Thực hiện cách ly nghiêm ngặt đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần nâng mức cảnh báo Covid-19 lên. Thực tế, sau chuỗi ngày dài không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, người dân bắt đầu chủ quan, tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện 5K theo khuyến cáo. Nếu chẳng may nguồn bệnh xâm nhập, thì việc khống chế dịch bệnh sẽ vô cùng khó khăn.

Đặc biệt, có một điều đáng lo, là Bộ Y tế vừa công bố có tới 85,7% mẫu những người trở về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi). Đây là những biến thể lây lan nhanh trong cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cảnh báo về sự xuất hiện làn sóng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam và cho rằng, đây là nguy cơ rất hiện hữu. “Một điểm rất lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia rồi xâm nhập vào nước mà chúng ta không biết được. Do đó, việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đừng để điều trị “vỡ trận” như Ấn Độ

Từ bài học bệnh viện quá tải, thiếu oxy, máy thở ở Ấn Độ, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, phải siết chặt hệ thống y tế dự phòng, nếu dự phòng “vỡ trận”, Việt Nam sẽ không còn khả năng chống đỡ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa - người trực tiếp chỉ huy công tác điều trị tại các ổ dịch Covid-19 vừa qua cho rằng, từ bài học ở Ấn Độ cho thấy, chỉ khi làm tốt công tác y tế dự phòng mới có thể đỡ được gánh nặng cho hệ thống điều trị. Khi đó, mới có thể tránh được các nguy cơ quá tải y tế, dẫn đến thiếu vật tư, thuốc men, không còn khả năng điều trị cho bệnh nhân.
"Nếu không dự phòng được thì không hệ thống điều trị nào có thể chịu được, kể cả những nước có y tế tiên tiến nhất như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản” - bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa nói. Cũng theo ông, khi số ca mắc tăng lên, ngành y tế sẽ không còn khả năng tuyến trên chi viện, tăng cường cho tuyến dưới, tỉnh nọ cũng không thể chi viện được cho tỉnh kia, vì ai ai cũng lo ứng phó với dịch ở địa phương mình. Như vậy, nếu "vỡ trận" y tế dự phòng thì chắc chắn sẽ "vỡ trận" điều trị. Điều này xảy ra không loại trừ các nước có nền y học tiên tiến, phát triển.

Ông cho rằng, chiến lược trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam là vô cùng đúng đắn. Nhờ làm tốt công tác y tế dự phòng, vì vậy, đến nay, số ca mắc ở Việt Nam chưa bao giờ vượt quá 2 con số mỗi ngày. Đây là một thành công, một may mắn cho ngành y tế nói riêng và công tác điều trị nói chung.

Bên cạnh y tế dự phòng như chặn dịch từ bên ngoài, siết bên trong và tuân thủ thực hiện 5K, một điều hết sức quan trọng trong công tác dự phòng, đó là tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, mặc dù hiện Việt Nam đang có những điều kiện rất tốt để kiểm soát dịch nhưng không thể lường trước tất cả các nguy cơ có thể xảy ra.
“Chỉ có tiêm phòng vaccine, và phải đạt trên 70% dân số được tiêm thì chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng. Không có vaccine thì rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay” – PGS.TS Đào Xuân Cơ nói. Ông cũng khuyến cáo tất cả đối tượng nguy cơ cao được chỉ định tiêm chủng, hãy yên tâm tiêm vaccine và không lo ngại khi có phản ứng sau tiêm vì Bộ Y tế đã có qui trình xử trí phù hợp trên tất cả các tuyến. Có thể nói, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện quyết liệt đồng thời tất cả những biện pháp trong chương trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 như hiện nay cũng như sự vào cuộc phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị.

Nhờ vậy, đến nay, Việt Nam đã khống chế thành công 3 làn sóng của dịch Covid-19. Nhưng trước tình hình dịch phức tạp ở khu vực và trên thế giới, cuộc chiến phòng chống dịch phía trước vẫn còn nhiều gian khổ, cam go. Việt Nam có bảo vệ được thành quả chống dịch hay không, điều đó còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người.

"Chúng tôi đề nghị tất cả các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nhiễm Covid-19. Chúng ta càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh chóng bấy nhiêu. Đồng thời cũng phải chuẩn bị các kịch bản xấu như dịch lan tràn trong cộng đồng trong thời gian rất ngắn để sẵn sàng ứng phó, không lúng túng, bị động." - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long