Phòng, chống dịch Covid-19: Sự đồng hành cần thiết

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động tại các khu công nghiệp của một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã rất nhanh chóng quyết định hỗ trợ các trường hợp F0, F1… Sự hỗ trợ kịp thời này chính là một động lực rất lớn để giúp người lao động vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.

Khẩn trương hỗ trợ công nhân lao động phòng, chống dịch là yêu cầu cấp bách đặt ra với tổ chức công đoàn hiện nay. Bởi thực tế, khi dịch tràn vào các khu công nghiệp, nhà máy, hàng loạt công nhân phải nghỉ việc, cách ly khiến đời sống giảm sút nghiêm trọng, sự đồng hành, chung tay của công đoàn sẽ làm ấm lòng người lao động. Chỉ tính trên con số được tỉnh Bắc Giang công bố hàng ngày, số công nhân lao động là F1, F2 lên đến hàng chục nghìn người và có thể chưa là con số cuối cùng. Trước thực tế ấy, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch.
Dự kiến, có 1.550 suất với trị giá 1 triệu đồng/suất sẽ đến tay người lao động; cán bộ, người lao động 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa cũng được hỗ trợ, mỗi đơn vị 100 triệu đồng; các F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng…
Sự hỗ trợ này rất kịp thời trong thời điểm hiện nay, góp phần giúp người lao động bớt đi những lo toan. Không chỉ vậy, LĐLĐ các tỉnh, thành, ngành cũng chủ động trích kinh phí đi thăm, động viên các đơn vị có đoàn viên công đoàn nơi tuyến đầu chống dịch; người lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện F1, F0; người lao động di cư không có người thân, không có họ hàng…
Đi kèm với sự hỗ trợ, việc tạo ra những “lá chắn” cần thiết để bảo vệ người lao động trước dịch cũng là vấn đề được chú trọng. Tinh thần không lơ là, mất cảnh giác trong chống dịch, nhất là địa bàn chưa có ca F0 đã được quán triệt đến các cấp công đoàn.
Nhiều tổ chức công đoàn đã kiến nghị DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí làm việc theo ca, kíp, đảm bảo mọi người lao động đều có việc làm, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện "5K" tại cơ quan, đơn vị, DN…
Như tại Hà Nội, LĐLĐ TP đã kịp thời kích hoạt các "Tổ An toàn Covid-19" trong các DN, với quan điểm 100% DN trong khu công nghiệp và chế xuất phải thành lập, tại các dây chuyền sản xuất, với nòng cốt là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và các vệ sinh an toàn viên. Điều đáng mừng là mới triển khai được vài ngày, đã có hơn 770 DN thực hiện chủ trương này, với gần 3.000 "Tổ An toàn Covid-19" được thành lập, tổng số trên 18.700 người tham gia. Từ đó, đã đạt hiệu ứng lan tỏa rất tốt trong phòng dịch. Các “Tổ An toàn Covid-19" này sẽ là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc; theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình sức khỏe… Điều đó cũng góp phần lan tỏa tốt hơn thông điệp phòng dịch đến với chính người lao động.
Có thể nói rằng, tại các khu công nghiệp, nhà máy vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 bởi lượng người làm việc đông. Với cách làm, hình thức khác nhau, nhưng sự đồng hành, vào cuộc kịp thời của các cấp khi dịch bệnh bùng phát cũng như chủ động ứng phó trong phòng ngừa là rất cần thiết trong thời điểm này, góp phần rất lớn trong bảo vệ người lao động, giảm tải đi những khó khăn.