Phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở ăn, uống: Nhiều bất cập

Vân Nhi - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định, các cơ sở kinh doanh ăn, uống trong mùa dịch Covid-19 phải bố trí ngồi giãn cách tối thiểu 1m hoặc so le, hạn chế ngồi trực diện; khuyến khích lắp đặt vách ngăn tại bàn ăn uống, quầy thanh toán... Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn trong việc thực hiện các quy định, đặc biệt là quy định lắp đặt vách ngăn nên ở mỗi nơi, mỗi cơ sở lại thực hiện một kiểu. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn.

Một quán bia bố trí vách ngăn nhưng không đảm bảo về hiệu quả phòng chống dịch. Ảnh: Công Trình
Lắp vách ngăn kiểu đối phó
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương đã yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động tất cả quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè, bar, karaoke, café, quán game… Đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống được phép hoạt động, khuyến khích việc thực hiện đo thân nhiệt cho khách hàng, nhân viên phục vụ, người bán khi vào cơ sở ăn uống; Yêu cầu nhân viên phục vụ, người bán hàng phải đeo khẩu trang… Đặc biệt, quy định phòng, chống dịch cũng yêu cầu các cơ sở trên là bố trí ngồi giãn cách tối thiểu 1m hoặc so le, hạn chế ngồi trực diện; khuyến khích lắp đặt vách ngăn tại các bàn ăn uống, quầy thanh toán... Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn cụ thể về việc lắp đặt vách ngăn nên mỗi cơ sở lại có một cách áp dụng khác nhau.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại nhiều cửa hàng ăn, uống, đặc biệt với các quán nhậu trên địa bàn TP Hà Nội, như ở phố Nguyên Hồng, Nguyễn Khánh Toàn… việc lắp đặt vách găn dường như chỉ mang tính chất đối phó. Tác dụng của những vách ngăn là nhằm ngăn giọt bắn chứa virus phát sinh qua giao tiếp trực tiếp. Tuy nhiên, tại nhiều quán bia, các vách ngăn được thiết kế để lại một khoảng rộng khá lớn (khoảng 30cm). Thậm chí có những quán khoảng cách này đến 50cm… nên hiệu quả phòng, chống sự lây lan của virus là không có. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một phường thừa nhận, mục đích của việc lắp đặt các vách ngăn là hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, nhưng do thiếu hướng dẫn, quy định cụ thể nên ở mỗi nơi, mỗi cơ sở lại có cách lắp đặt khác nhau. Do quy định chỉ yêu cầu chung chung là có vách ngăn, không quy định cụ thể vách ngăn phải như thế nào, khoảng cách bao nhiêu... nên dù biết là không ổn nhưng lực lượng chức năng cũng rất khó để xử lý.

Cần có quy chuẩn thống nhất

Liên quan đến công tác quản lý trật tự đô thị, đặc biệt với công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở ăn uống, đại diện Công an phường Cống Vị (quận Ba Đình) cho biết, thời gian qua, công an phường vẫn thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lực lượng chức năng nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía các cơ sở kinh doanh. Các câu hỏi chủ yếu là: Tại sao quán café lại bị cấm hoạt động, trong khi các quán khác như trà sữa, trà chanh, nước hoa quả… lại không bị cấm? Nếu quán café cũng lắp đặt vách ngăn như các nhà hàng, quán ăn thì có được phép hoạt động không?...

Trước vấn đề trên, khi trao đổi, lãnh đạo một số quận, huyện trên địa bàn TP cho rằng, việc trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, mặt hàng này thì bị cấm, mặt hàng khác thì không đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành những quy định về phòng, chống dịch. “Đến nay, phần lớn các hộ kinh doanh thuộc diện cấm hoạt động đã chấp hành nghiêm quy định mà TP đề ra. Tuy nhiên, việc chấp nhận đó chỉ đến từ mệnh lệnh hành chính mà chưa thật sự chấp hành. Cũng vì thế mới dẫn đến việc, không ít chủ quán tranh thủ sự vắng mặt của các lực lượng chức năng để bán hàng” – lãnh đạo một phường chia sẻ.

Do đó, để khắc phục thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần sớm có những hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch, hạn chế sự ảnh hưởng kinh tế đối với các hộ kinh doanh và tạo điều kiện cho việc kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng. Nếu như cho phép tất cả cơ sở kinh doanh đồ ăn, nước uống được phép hoạt động, phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là quy định đo, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện quy định giãn cách, bố trí vách ngăn đúng quy chuẩn. Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần ban hành quy chuẩn chung về việc lắp đặt vách ngăn, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu… làm cho có.
Để bảo đảm ATTP, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong thời điểm dịch bệnh, bắt buộc người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang. Các quán ăn không được phục vụ nhiều người cùng lúc... Đặc biệt, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện đo thân nhiệt cho nhân viên và khách hàng trước khi vào cơ sở.

Về phía khách hàng, người dân không nên chọn hàng quán đông người, không đi ăn vào giờ cao điểm. Nếu bắt buộc phải đi ăn ngoài, mọi người nên chủ động chọn địa điểm dựa theo 4 tiêu chí cơ bản: Quen thuộc, sạch sẽ, không quá đông người và khoảng cách giữa các bàn ăn luôn rộng rãi.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần