Phòng, chống dịch Covid-19: Vì mình và vì cộng đồng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian này, mặc dù số bệnh nhân dương tính với virut SARS-CoV-2 vẫn tăng lên từng ngày, chủ yếu là ở Đà Nẵng, TP du lịch miền Trung đã thực hiện giãn cách xã hội nhưng có thể nói tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đó là do chúng ta đã tiên lượng tình huống xấu nhất có thể xảy ra, sẵn sàng để ứng phó, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất để tình huống đấy không bao giờ xảy ra.

Người dân Hà Nội thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và tập trung đông người. Ảnh: Lệ Giang
Đó cũng là tinh thần mà Hà Nội xác định trong công tác phòng chống dịch bệnh những ngày này. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các địa phương trong khi chưa truy tìm được nguồn F0 của các ca bệnh đã phát hiện, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung xác định Hà Nội là một trong những địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhiều biện pháp đồng bộ đã được thực hiện nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, quyết không để dịch bệnh bùng phát và lây lan. Một trong những biện pháp quan trọng là truy vết, phát hiện và sàng lọc những người trở về từ Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là từ những nơi có dịch như quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trung tâm tiệc cưới For you Palace quận Hải Châu…
TP cũng yêu cầu các trường hợp đi du lịch tại Đà Nẵng phải chủ động khai báo y tế và chủ động theo dõi sức khỏe của mình. Những trường hợp có qua lại những nơi có dịch như quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng); Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, trung tâm tiệc cưới For you Palace (Hải Châu)… đều phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm và tự cách ly tại nhà.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, ước tính trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 15.000 - 20.000 người từ Đà Nẵng trở về. Truy vết, phát hiện và sàng lọc những người trở về từ Đà Nẵng và các địa phương mới xuất hiện các ca dương tính SARS-CoV-2 với con số lên đến 15.000 - 20.000 người là một công việc cấp thiết dù khó khăn, vất vả nhưng phải làm bằng được. Và để làm tốt công việc này, như lời kêu gọi của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, rất cần sự tự giác, chung tay của mỗi người dân trong việc khai báo y tế, phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm…
Hà Nội đã có kinh nghiệm trong công trác truy vết, xác định nguy cơ lây nhiễm từ các ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi những ngày cuối tháng 3, nửa đầu tháng 4 vừa qua, và đã đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Một trong những nguyên nhân quan trọng của kết quả đó là sự tự giác, đồng lòng của mỗi người dân. Đó là yếu tố cần được phát huy tại thời điểm này, khi mà dịch bệnh đang quay lại và Hà Nội là một trong những địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Nói cách khác, thành bại của công tác phòng chống dịch Covid-19 phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, hành động của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng.
Tại buổi họp trực tuyến ngày 28/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã nhận định: “Tất cả các biện pháp chống dịch phải làm rất đồng bộ, không chỉ y tế mà các lực lượng khác và toàn xã hội. Chúng ta phải hiệp đồng chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy, từ khâu quản lý xuất nhập cảnh, rà soát các đối tượng có nguy cơ cho đến tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, thực hiện các biện pháp bảo hộ, hướng dẫn khi có các triệu chứng, tổ chức xét nghiệm, cách ly… Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.
Để phòng chống không để dịch bùng phát, lây lan, mỗi người dân hãy thực hiện những biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đeo khẩu trang nơi công cộng, tự giác khai báo y tế… Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng, mỗi người hãy là những con ốc thật hữu ích trong cả guồng máy phòng chống dịch bệnh của toàn xã hội.