Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Lo thiếu kinh phí hỗ trợ

Lâm Nguyễn – Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 21.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng nói, việc chậm chi trả kinh phí hỗ trợ đang khiến nhiều hộ có lợn bị tiêu hủy gặp khó trong ổn định sản xuất.

Chậm hỗ trợ do… lợn chết quá nhiều
Nằm trong vùng DTLCP, gia đình bà Đồng Thị Ngư, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) đã buộc phải tiêu hủy hơn 5 tấn lợn đến thời kỳ xuất chuồng. Tổng số tiền gia đình bà dự kiến được hỗ trợ là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm đàn lợn bị tiêu hủy đến nay đã hơn một tháng, gia đình bà Ngư vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
 Tiêu hủy lợn chết tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Phương Nga
Điều đáng nói, để đầu tư vào chăn nuôi lợn, gia đình bà phải vay lãi ngân hàng 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn nợ đọng 50 triệu đồng tiền của đại lý thức ăn gia súc. “Hiện, gia đình tôi muốn chuyển sang chăn nuôi gia cầm nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ nên không thực hiện được” – bà Ngư than thở.
Không chỉ hộ bà Ngư, việc chậm được chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch là tình trạng chung tại 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn. Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, hiện có khoảng 2.000 hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ. Tại huyện Đông Anh cũng có trên 1.000 hộ chưa nhận được hỗ trợ sau hơn 7 ngày lợn bị tiêu hủy. Hay như tại huyện Quốc Oai, 1.300 hộ chăn nuôi lợn vẫn đang chờ nguồn kinh phí hỗ trợ.

"Hiện, Sở Tài chính đã nhận được văn bản kiến nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống DTLCP của một số địa phương. Chúng tôi đang tổng hợp, hoàn thiện thủ tục để trình UBND TP cho ý kiến trong thời gian sớm nhất." - Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, tính đến nay, thiệt hại do DTLCP trên địa bàn TP vào khoảng 620 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng kinh phí các quận, huyện, thị xã chi trả cho công tác phòng, chống dịch bệnh mới được trên 200 tỷ đồng. “Việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi hiện gặp nhiều khó khăn do số lượng lợn tiêu hủy quá lớn” – ông Mỹ lý giải.
Bao giờ có kinh phí bổ sung?
Tính đến nay, toàn TP đã tiêu hủy trên 360.000 con lợn (chiếm khoảng 20% tổng đàn). Với tình hình hiện nay, dự kiến số lượng hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Việc chậm chi trả hỗ trợ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tái sản xuất, cũng như đời sống của các hộ chăn nuôi.
Trong một cuộc họp liên quan tới công tác hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy do DTLCP, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết: Các địa phương chỉ cần chi vượt quá 50% tổng ngân sách dự phòng là có thể báo cáo Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND TP xem xét, bổ sung kinh phí. Tuy nhiên, thực tế việc cấp bổ sung kinh phí vẫn… nằm trên giấy.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến cho biết, địa phương đã chi khoảng 35 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc DTLCP từ nguồn ngân sách dự phòng. Đến nay, nguồn dự phòng đã hết nhưng vẫn thiếu ít nhất 25 tỷ đồng. Huyện làm tờ trình xin cấp bổ sung, song gần 1 tháng nay vẫn chưa có thông tin từ Sở Tài chính.
Tương tự, tại các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thạch Thất… nguồn kinh phí còn thiếu để ứng phó DTLCP lên tới hàng trăm tỷ đồng. Dù đã trình lên Sở Tài chính xin cấp kinh phí bổ sung nhưng gần 1 tháng qua vẫn chưa có thông tin. “Do chưa xin được nguồn cấp bổ sung từ TP nên địa phương phải huy động các nguồn ngân sách khác để hỗ trợ chi trả” – Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết.
Kinh phí cần thiết để hỗ trợ tiêu hủy lợn bị DTLCP dự kiến sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp kịp thời về nguồn vốn hỗ trợ, công tác ứng phó sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Tại nhiều cuộc làm việc với các sở ngành, địa phương, lãnh đạo Thành ủy – UBND TP luôn nhấn mạnh quan điểm: Các địa phương thiếu kinh phí phòng chống dịch, có thể làm tờ trình xin TP cấp bổ sung. Do đó, đề nghị Sở Tài chính tập trung đôn đốc việc triển khai ý kiến chỉ đạo của TP, không để thiếu ngân sách phòng chống DTLCP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần