Phòng chống tội phạm: Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng tội phạm; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm

Sáng 3/1, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2013 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2014 về phòng, chống tội phạm, do Ban Chỉ đạo 138/CP tổ chức, Phó Thủ tướng cho rằng nhìn một cách khách quan, hiệu quả của công tác này chưa cao, không ít vụ phạm tội kéo dài, chậm được phát hiện và xử lý. Tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp gia tăng; công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, còn để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân của tồn tại trên là do sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội; năng lực của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; việc trấn áp tội phạm của công an có nơi, có lúc chưa được kiên quyết; công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ còn lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động nắm tình hình và chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là ở tuyến huyện; tinh thần trách nhiệm của một số đơn vị, cá nhân trong công tác phòng, chống tội phạm chưa cao; một số văn bản hướng dẫn phòng, chống tội phạm chưa được cụ thể hóa và kịp thời.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37 của Quốc hội, Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, trọng tâm là phê duyệt và tổ chức triển khai “Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2015-2025 và định hướng đến năm 2030” để đảm bảo an ninh trật trự, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm chắc tình hình xây dựng kế hoạch, biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm; điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quân tâm, đồng thời không để xảy ra oan sai, lọt tội phạm; tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, nhất là ở 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, 10 địa bàn trọng điểm về tội phạm có tổ chức; nâng cao chất lượng, tỷ lệ điều tra, khám phá, xử lý tội phạm.

Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông, đẩy mạnh vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Các địa phương thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2014.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo 138/CP, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được đẩy mạnh; tăng cường lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Công an các địa phương đã liên tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung phát hiện, triệt phá các băng nhóm tội phạm; đẩy mạnh công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, nhất là đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm tại 18 địa bàn trọng điểm; qua đó kịp thời ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, không để tội phạm lộng hành, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân ở các đô thị và nông thôn.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP cũng cho thấy, năm 2013, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người.

Hoạt động phòng ngừa tội phạm ở cơ sở có sự chuyển biến rõ nét thông qua nhiều mô hình, phong trào đa dạng, hiệu quả, thu hút được nhân dân tham gia tích cực như mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ,” “Chi hội Cựu chiến binh gương mẫu,” “Tổ phụ nữ không chồng, con phạm tội, vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội,” “Cụm dân cư không có tệ nạn ma túy.” Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt cao.

Công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng đạt kết quả tốt; nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng đã được điều tra, xử lý, đưa ra truy tố, xét xử...

Năm 2013, đã xảy ra 59.000 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tăng 5,03% so với năm 2012, xu hướng tội phạm trẻ hóa; phát hiện, xử lý trên 12.000 vụ phạm tội vi phạm pháp luật về kinh tế và gần 450 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ như vụ án Dương Chí Dũng, vụ án “bầu Kiên”...; bắt giữ trên 18.000 vụ, với hơn 28.000 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng hơn 500 vụ so với năm 2012; hơn thu giữ 641kg heroin và 255.300 viên ma túy tổng hợp.

Năm qua, lực lượng công an các cấp đã điều tra, khám phá trên 44.000 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá trên 2.600 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú trên 11.000 đối tượng truy nã, trong đó 2.238 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp cũng phát hiện trên 13.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xử lý hành chính hơn 10.000 vụ; phát hiện, bắt giữ trên 18.000 vụ, 28.000 đối tượng phạm tội về ma túy.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm thời gian qua còn diễn biến phức tạp. Tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Hầu hết các đối tượng trong các băng nhóm đều tàng trữ sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ sẵn sàng gây án.

Hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm. Tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng, năm 2013 đã phát hiện trên 500 vụ, liên quan đến gần 700 đối tượng, lừa bán gần 1.000 nạn nhân...

Thảo luận về tình hình phòng, chống tội phạm, nhiều địa phương khẳng định cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt để kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm. Hà Nội đã tập trung đấu tranh với tội phạm ma túy và tội phạm hình sự, xử lý các đối tượng cờ bạc, mại dâm, khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh trúng, triệt phá nhanh các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, thu nhiều vũ khí, vật liệu nổ. Bình Dương phát huy tốt phong trào “Hiệp sỹ bắt cướp” cùng lực lượng công an. Lạng Sơn đấu tranh, xử lý có hiệu quả với loại tội phạm băng nhóm “xã hội đen”...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần