Phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: Nhận thức nâng lên, pháp luật còn “khoảng trống”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp thời gian tới.

Khoảng trống pháp lý
Như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, trong 2 năm qua, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ án thương tâm, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận xã hội.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống loại tội phạm này đang được nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý, nhiều đại biểu Quốc hội phân tích cũng chính là một số kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đã nêu nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện.
 Một buổi ngoại khóa chống xâm hại trẻ em cho học sinh tại quận Hà Đông, Hà Nội.
Liên quan đến báo cáo của các bộ, ngành về kết quả thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và cơ bản đầy đủ các kiến nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Nhận thức của người dân về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã được nâng lên một bước, các gia đình có ý thức cao hơn về việc bảo vệ con, em mình trước nguy cơ xâm hại tình dục. Học sinh các cấp, tùy theo lứa tuổi, cũng được học các bài giảng, nghe các chương trình ngoại khóa về sức khoẻ sinh sản, kỹ năng bảo vệ bản thân.
Tuy nhiên, qua phân tích một số vụ việc, có thể thấy khoảng trống trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến việc áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm.
Ví dụ vụ dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý muốn trong thang máy chung cư tại Hà Nội, áp dụng Điều 5 Nghị định số 167/2013NĐ-CP của Chính phủ để xử phạt về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. "Đây là những hành vi có tính chất quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, nhưng do Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ về các hành vi này, nên các cơ quan phải vận dụng để xử phạt về hành vi vi phạm trật tự công cộng “nói chung””- bà Nguyễn Thị Thủy chỉ ra.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra
Ủy ban Tư pháp cũng thông tin, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2017 phát hiện 1.592 vụ, giảm 49 vụ (3%). Năm 2018 phát hiện 1.547 vụ, giảm 45 vụ (2,8%).
Theo báo cáo của TANDTC, từ ngày 1/10/2017 đến 28/2/2019, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm 2.719 vụ với 2.894 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục. Về cơ bản, quá trình điều tra, truy tố xét xử các vụ việc bảo đảm đúng người, đúng tội, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, có một số vụ án chưa thật sự chặt chẽ, khách quan thì ngay khi có ý kiến phản ứng của dư luận đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, khắc phục.
Tại phiên họp, trước một số vụ án cụ thể đang gây bức xúc dư luận thời gian qua, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp có phân tích về từng vụ việc và đề nghị đề nghị Bộ Công an giải trình có hay không khoảng trống của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành liên quan đến các hành vi xâm hại tình dục.
Giải trình trước các vấn đề được đưa ra, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã báo cáo, cung cấp thêm một số thông tin về các vụ án, vụ việc cụ thể cho các đại biểu Quốc hội. Như về vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay khi đọc được thông tin về vụ việc, ông đã chỉ đạo cấp dưới ở cơ quan điều tra của bộ Công an rút ngay vụ án từ Công an Hà Nội lên Bộ, chỉ đạo phải khởi tố vụ án, hướng tới tội “hiếp dâm trẻ em”. Vụ ông Nguyễn Hữu Linh bị tố giác có hành vi dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi (TP Hồ Chí Minh), Công an đang tiếp tục điều tra, xử lý thực hiện theo quy định của pháp luật…
Liên quan đến vụ việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật, không thể nói rằng gia đình không đề nghị nên không khởi tố vụ án.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến đề nghị, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao phòng ngừa. Ngoài ra, TANDTC cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần