Phòng, chống xâm hại trẻ em vào Chương trình giám sát của Quốc hội

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 3/6, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu về lựa chọn chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 - năm 2020. Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát, Tổng thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.
 Tổng thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề. Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung); Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 cũng sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.
Xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ. Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 01 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho biết, cử tri nhiều địa phương phản ánh hoạt động băng nhóm xã hội đen, bảo kê, buôn bán ma túy, các vụ giết người, cho vay nặng lãi, xâm hại tình dục trẻ em,... gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
Cuối phiên thảo luận, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu về lựa chọn chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 - năm 2020. Kết quả, có 386 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) đồng tình chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.