Phòng ngừa là không thừa!

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ đối với việc cấp tín dụng cho đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản, tín dụng tiêu dùng... để hạn chế rủi ro.

 Ảnh minh họa
Nhìn vào những gì các ngân hàng công bố thì những chỉ tiêu an toàn vẫn trong ngưỡng... Thế nhưng, ngay trong công văn 3029/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng nhà nước (NHNN) ngày nêu rõ: Nợ xấu xu hướng tăng. NHNN nhận thấy một số tổ chức tín dụng (TCTD) có các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỉ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019. Với dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020, nhưng từ tháng 3 đã tăng trở lại. Tuy nhiên, như báo chí đưa tin, chỉ tính dư nợ ngân hàng của 3 công ty chứng khoán lớn là SSI, VND, và Mirae Asset đã xấp xỉ con số trên (44.612 tỷ đồng). Lưu ý thêm là cho vay công ty chứng khoán chỉ là một bộ phận của cho vay nói chung vào chứng khoán. Do đó, NHNN đánh giá chứng khoán và bất động sản là hai lĩnh vực tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, dù có quy mô tăng trưởng không lớn so với tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng cảnh báo nguy cơ bong bóng tài sản. Hiện tượng sốt đất xảy ra nhiều nơi. Ngoài ra, rủi ro từ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nhận định là tương đối cao do quy mô còn nhỏ, tính minh bạch chưa cao, nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu nên mức độ biến động ở mức cao.

Nền kinh tế không thể phát triển bền vững nếu phần lớn dòng tiền dồn vào kênh đầu cơ. Trong 9,46 triệu tỷ đồng dư nợ toàn bộ nền kinh tế, cho vay BĐS là trên 1,8 triệu tỷ đồng. Trên TTCK có một nghịch lý là tổng mức huy động vốn vào thị trường tăng cao nhưng giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không hoàn toàn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bài học từ những năm trước đến nay vẫn còn. Hiện vẫn còn rất nhiều tài sản bảo đảm là bất động sản được các ngân hàng mang ra đấu giá nhưng qua nhiều lần, với giá giảm đáng kể mỗi lần, mà vẫn không bán được. Tờ báo Nhật Bản Nikkei cũng "choáng" khi nói về cơn sốt chứng khoán ở Việt Nam. Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày giao dịch cuối cùng của năm 2020 tăng gần 15% so với thời điểm đầu năm (tăng 66% so với mức đáy trong quý II). Giá hàng loạt cổ phiếu đến nay cũng đang “lên đồng” tăng gấp đôi, gấp ba, dù DN vẫn hoạt động bình thường, thậm chí nhiều công ty vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021. Nhiều người mua cổ phiếu với mong muốn kiếm tiền. Họ chẳng ngại rủi ro, họ chỉ nghĩ đến lợi nhuận.

Cùng với công văn của NHNN, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021 trong đó chỉ đạo xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin để đẩy giá BĐS dẫn đến tình trạng sốt đất ảo diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Theo các chuyên gia, không chỉ NHNN, Chính phủ và một số địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Cụ thể, thông tin liên quan đến quy hoạch của các dự án phải được các địa phương, bộ, ngành công khai, minh bạch hóa. Cơ quan quản lý chứng khoán cũng phải giám sát thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin làm giá…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần