Phòng nhiễm Sars-CoV-2 ở thai phụ

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh Sars-CoV-2 có thể lây từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, giữ tinh thần thoải mái, chăm sóc sức khỏe và thăm khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập
Đang mang thai ở tháng thứ 6, chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khá lo lắng khi nguy cơ dịch bệnh Covid-19 luôn rình rập trong thời điểm này. Chị lại càng không yên tâm khi biết thông tin mới đây Hongkong ghi nhận trường hợp thai phụ (32 tuổi, mang thai 16 tuần) đầu tiên nhiễm Sars-CoV-2.
“Tuy bản thân đã tuân thủ, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế nhưng tôi thực sự lo lắng nếu chẳng may mình bị nhiễm bệnh mà lây cho con thì không biết hậu quả sẽ ra sao?”- chị Hạnh trải lòng.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Chia sẻ những lo lắng của chị Hạnh, PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho hay, đây là câu hỏi thường trực của các bà mẹ ở trong thai kỳ cũng như gia đình các sản phụ.
Theo PGS.TS Phú, các biện pháp phòng, chống lây nhiễm chỉ phòng, chống lây nhiễm ra cộng đồng nói chung. Còn đối với phụ nữ mang thai, khi mắc các bệnh cảm cúm đều có khả năng gây biến chứng cho thai nhi. Do đó, không chỉ trong đợt dịch này, nếu các bà mẹ mang thai có bất kỳ biểu hiện cảm cúm, cần phải đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán trước sinh, tránh những biến chứng cho thai nhi. Bởi chẩn đoán trước sinh rất quan trọng.
PGS.TS Vũ Xuân Phú cũng cho rằng, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, hiện không có khuyến cáo dành riêng cho đối tượng này. Vì vậy, mẹ bầu không nên quá lo lắng, tránh ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. “Mẹ bầu có thể thực hiện các biện pháp phòng tránh để giữ cơ thể khỏe mạnh, như: Nên rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ít nhất 30 giây.
Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch, dùng sản phẩm vệ sinh tay có chứa ít nhất 60% cồn. Cần súc miệng, rửa họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng phòng lây nhiễm bệnh.
Hạn chế du lịch, đến nơi đông người; đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên khi đi thăm khám thai kỳ tại bệnh viện, phòng khám. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, khó thở...” - PGS.TS Vũ Xuân Phú khuyến cáo.
Hạn chế đến nơi có nguy cơ lây nhiễm
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho rằng, mọi người ở tất cả các lứa tuổi đều có thể bị mắc Sars-CoV-2, nhưng phụ nữ mang thai với sức đề kháng yếu có nguy cơ bị nặng hơn. Đối với phụ nữ mang thai, một bệnh lý nhiễm trùng do bất kỳ nguyên nhân gì không cứ là Sars-CoV-2, có thể là cúm hay dịch bệnh khác đều có nguy cơ ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.
Đặc thù của Sars-CoV-2 là gây ra viêm phổi rất nặng. Đối với phụ nữ mang thai, hệ miễn dịch tương đối giảm, viêm phổi sẽ dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy, chính điều này sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, PGS. TS Trần Danh Cường cũng khuyên phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, vẫn phải đi khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ vì các cơ sở y tế đều có đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần đi khám thai định kỳ để được sử dụng thuốc, vitamin bổ sung phù hợp cho từng giai đoạn của thai kỳ. Mỗi phụ nữ trước và sau khi sinh cần lượng dinh dưỡng, hàm lượng sắt, canxi, vitamin… rất khác nhau. Sản phụ cần thăm khám để xem nhu cầu cơ thể ra sao, không tự ý bổ sung mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần