Phong trào thi đua lao động giỏi: Lan tỏa những sáng kiến hiệu quả

Bài, ảnh: Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 13 năm, phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã trở thành phong trào thi đua hiệu quả, xuyên suốt, có tính lan tỏa trong cộng đồng.

Từ đó, Hà Nội đã phát hiện hàng nghìn người lao động giỏi, có trình độ tay nghề cao, nhiều sáng kiến sáng tạo, đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển của DN, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Hiệu quả từ những sáng kiến đời thường
Suốt 8 năm qua, công nhân Trần Như Khải - Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp cải tiến nhằm giảm thời gian lao động, chi phí nhân công và chi phí sản xuất...
 Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo TP cùng 90 ''Công nhân giỏi Thủ đô 2019''.
Năm 2018, anh đã có 13 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mang lại hiệu quả 862 triệu đồng. Tiêu biểu có thể kể đến sáng kiến chuyển đổi cách thức đóng gói sản phẩm model K66FT từ dùng túi nilong sang dùng bìa giấy mang lại hiệu quả 486,3 triệu đồng; sáng kiến thiết lập lại quy trình sản xuất, giảm nhân công tại dây chuyền sản xuất K96HL giảm được 2 nhân công, tương đương 143,6 triệu đồng...
Sau 18 năm công tác, anh Nguyễn Văn Phi - Tổ trưởng Tổ chìa Xí nghiệp Cơ khí 2, Công ty CP Khóa Việt - Tiệp đã làm chủ được các thiết bị mới do công ty đã đầu tư cho tổ. Năm 2018, anh đã có sáng kiến “Cải tiến cụm mâm rung phôi chìa khi phay rãnh”. Anh cùng đồng nghiệp đã chế tạo và lắp đặt cảm biến nhận biết các phôi chìa bị ngược cho các mâm rung của các máy phay rãnh, thiết bị xếp chìa tự động cho máy phay rãnh chìa 4082.
Thêm nhiều tấm gương điển hình
Anh Đào Xuân Dũng - công nhân Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Lạc Việt, đã có sáng kiến làm bàn thao tác cho công nhân thuận tiện làm việc. Bàn thao tác, bàn lắp ráp dành cho công nhân các nhà máy, xí nghiệp lắp ráp các sản phẩm thường với những chi tiết nhỏ cần sự tập trung cao độ. Bàn thao tác còn được lắp ghép cùng với băng tải trong dây chuyền sản xuất để công nhân dễ dàng làm việc.
Trong lĩnh vực giám sát an toàn xây dựng, kỹ sư Nguyễn Văn Giáp (Công ty TNHH Freyssinet) đã có những sáng tạo góp phần cải tiến máy móc, góp phần hạn chế tai nạn lao động, đảm bảo tính mạng cho công nhân khi làm việc.
Để khắc phục nguy cơ bị cuốn vào máy, trong quá trình vận hành máy uốn sắt bachair (đặc thù trong xây dựng), dựa trên hoạt động hiện tại của máy anh đã lắp khởi động kép, tức là tay trái giữ vai trò khởi động cho động cơ, tay phải điều khiển cần trục lên xuống của máy ép thì máy mới hoạt động. Đảm bảo luôn luôn hai tay không ở khu vực nguy hiểm. Từ đó, không còn nguy cơ tai nạn lao động với máy có thể xảy ra.
Năm 2019, TP Hà Nội có hơn 61.000 công nhân lao động được công nhận danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở (tăng 57% so với năm 2018); 3.153 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến từ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã lựa chọn 90 công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần