Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”: Lan tỏa ngày càng rộng khắp

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Năm 2016 là năm thứ 24 Hà Nội triển khai phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và năm thứ 7 vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Cùng với quyết tâm đổi mới trong tổ chức triển khai, các phong trào thi đua đã ngày càng đi sâu vào đời sống, góp phần đáng kể hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành.
Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo
Ngay từ đầu năm, các phong trào thi đua trên địa bàn TP đã tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó, những lĩnh vực bức xúc trong phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội. Công tác phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) cũng được TP đặc biệt quan tâm. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục “Viết về gương ĐHTT, người tốt, việc tốt” trên các báo Hà Nội mới, Kinh tế&Đô thị...

Cán bộ phường Kim Giang, quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng

Đặc biệt, theo Ban Thi đua - Khen thưởng TP, một nét mới là các ngành, các cấp đặc biệt chú trọng lựa chọn các phong trào thi đua đặc thù, xây dựng những mô hình, cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như ngành nông nghiệp với phương châm “Mỗi người, mỗi ngày làm một việc tốt theo đạo đức Bác Hồ, dù là việc nhỏ nhất”; ngành TNMT phát động phong trào "Mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động đề xuất một giải pháp phát triển mạng lưới kinh doanh an toàn vì sức khỏe cộng đồng"...
Trong khi đó, MTTQ các cấp lại đẩy mạnh và nhân rộng điển hình qua cuộc vận động "Tang văn minh tiến bộ"; công đoàn các cấp đẩy mạnh phong trào “Lao động giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Công nhân giỏi Thủ đô”... Các cấp hội phụ nữ thì tổ chức “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, Thành đoàn với phong trào “Khởi nghiệp”... thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia.
Những con số “biết nói”
Thông qua phong trào "Người tốt, việc tốt" đã xuất hiện nhiều tấm gương thi đua lao động sáng tạo, đề xuất nhiều mô hình, giải pháp trong mọi lĩnh vực như: Phát triển kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, cải cách hành chính (CCHC)…, đem lại hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội to lớn. Thực tế đã xuất hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, góp phần làm lợi lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Một trong những điển hình như công nhân Lê Quốc Huỳnh - Nhà máy Nhôm Đông Anh (Công ty Cơ khí Đông Anh) tự thiết kế, chế tạo khuôn đùn ép nhôm góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và làm lợi cho Công ty tới 1,5 tỷ đồng/năm. Phong trào “thi đua xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, đã có thêm 11 xã được công nhận đạt chuẩn trong 9 tháng và ước cả năm có thêm 35 xã đạt chuẩn (vượt kế hoạch). Thông qua phong trào này, đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn, hoa, cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, bò, thủy sản tập trung quy mô lớn...; nâng thu nhập bình quân đầu người tại nông thôn từ 14 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người/năm hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,25% xuống dưới 1,5%...
Đặc biệt, năm 2016 tiếp tục được TP lựa chọn là "Năm kỷ cương hành chính" với nhiều giải pháp quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh CCHC theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch. Thông qua phong trào thi đua, đã phát triển nhiều tập thể, cá nhân và mô hình tiêu biểu như: Mô hình “Cụm dân cư điện tử” phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các TTHC tại phường, qua đó giúp người dân giảm thời gian, công sức khi liên hệ giải quyết công việc tại phường. Hoặc các cán bộ tư pháp hộ tịch như bà Hoàng Thị Chanh - Bộ phận một cửa phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), bà Trần Thị Quyến - Bộ phận một cửa phường Thạch Bàn (quận Long Biên) với đặc thù công việc hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với người dân, nhưng luôn trách nhiệm, hướng dẫn họ tận tình chu đáo, luôn tham mưu giải quyết đúng hạn 100% hồ sơ hành chính lĩnh vực chuyên môn…
Còn rất nhiều tấm gương bình dị đã làm nên sức lan tỏa ngày càng rộng lớn của phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Từ đó, góp phần đưa kinh tế - xã hội Thủ đô 9 tháng qua đạt được kết quả rất tích cực như tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 121.310 tỷ đồng (đạt 71,6% kế hoạch); tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,73%; thành lập mới 15.165 DN, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần