Phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục Thủ đô: Động lực cho việc dạy và học

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ khi triển khai phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ đầu tiên được ngành GD&ĐT Hà Nội xác định: Phải làm tốt công tác “dạy tốt, học tốt”. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong từng năm học của mỗi trường, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh (HS).

Quy mô trường lớp phát triển mạnh
Năm học 2017 - 2018, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục ổn định và có bước phát triển mạnh. Đến thời điểm này, toàn TP có 2.641 trường học với hơn 1,8 triệu HS, so với cùng kỳ năm học trước tăng 58 trường và hơn 134.000 HS. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học trong các trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường học mới đạt chuẩn, nâng cấp nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch được chú trọng.

Đặc biệt, những năm gần đây, ngành GD&ĐT tiếp tục quan tâm đến chất lượng dạy học giữa các vùng miền trên địa bàn, dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt trong việc chỉ đạo các hoạt động dạy - học đối với HS lớp 1. Tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày lên tới 95,8% (tăng 1,71% so năm học trước). 100% HS được thực hành những kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề có sự hướng dẫn của giáo viên trong buổi thứ 2…
 Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trao Giấy khen và Kỷ niệm chương cho các thầy, cô có tâm huyết, sáng tạo trong năm học 2016 - 2017.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, các hình thức đổi mới trong kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực, coi trọng đánh giá để giúp HS về phương pháp học, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em. “Đặc biệt, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng (Tú tài THPT quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A level) tại trường THPT Chu Văn An và tiếp tục mở rộng triển khai tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và 7 trường THCS trong năm học 2018 - 2019, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo THPT của TP” – lãnh đạo Sở GD&ĐT nhấn mạnh.

Góp thêm bảng vàng thành tích

Năm học qua, chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn của Hà Nội tiếp tục đạt kết quả xuất sắc: Số HS tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 98,49% (khối THPT tỷ lệ 99,36% và khối giáo dục thường xuyên là 96,24%) dẫn đầu cả nước về số bài thi đạt điểm 10 với 621 bài thi. Đặc biệt, HS Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia, quốc tế, đã giành nhiều huy chương các loại, góp thêm bảng vàng thành tích học tập. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2017, HS Hà Nội đã đạt được những thành tích xuất sắc với 138 giải và huy chương, trong đó có 39 Huy chương Vàng (HCV). Tháng 3/2018, tại kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC) với 9 đoàn quốc tế và 23 đoàn của các tỉnh, thành trên cả nước tham dự, đoàn Hà Nội giành 1 Cúp Vô địch, 1 Cúp giải Nhất đồng đội, 112 huy chương cá nhân…

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, ngoài những kết quả ấn tượng về thành tích học tập, nghiên cứu, HS Hà Nội còn đạt được rất nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, hoạt động ngoại khóa và công tác xã hội, công tác Đoàn, Đội. Nhiều phong trào, cuộc thi, giải thưởng tạo môi trường để HS Thủ đô rèn luyện, phấn đấu. Tiêu biểu như Trương Quang Diệu, lớp 5A1 trường Tiểu học Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy, 5 năm liên tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ của HS và nhận học bổng trường mức I. Em đã giành HCV cấp quốc gia thi Toán bằng tiếng Anh trên Internet năm học 2016 - 2017, HCV cuộc thi toán quốc tế IMC 2017 tại Singapore, HCV cuộc thi Toán quốc tế IMAS 2017, giải Xuất sắc cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo 2018, giải Xuất sắc cuộc thi Toán quốc tế Bebras 2018 (Tư duy thuật toán), HCV cuộc thi Tìm kiếm tài năng trẻ toán học MYTS 2018. Không chỉ đạt thành tích cao ở các môn văn hóa, ở lĩnh vực nghệ thuật, em cũng đạt nhiều giải trong thi Piano cấp quốc gia và quốc tế; tham gia triển lãm tranh “Hoa và Mặt trời” tháng 6 năm 2014… “Đây chỉ là một trong rất nhiều HS Thủ đô tiêu biểu có thành tích ấn tượng trong học tập và cũng là minh chứng sống về chất lượng đào tạo của GD&ĐT Thủ đô những năm gần đây” - ông Dũng chia sẻ.

Có được thành công đó là nhờ những năm qua, các phong trào thi đua diễn ra thường xuyên, liên tục, sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát với nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị trọng đại diễn ra trong năm. Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Giám đốc Chử Xuân Dũng khẳng định, phong trào thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy việc dạy - học hiệu quả. Bên cạnh đó là sự tận tâm, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu HS của cán bộ, giáo viên là nguồn nội lực quyết định thắng lợi các hoạt động, phong trào thi đua của ngành.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho biết, tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong ngành, gắn với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. “Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hành động thực tiễn của mỗi người trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng thực chất, đánh giá đúng năng lực của người dạy, người học” – ông Dũng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần