Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở Thủ đô: Nhiều thành quả nhưng thiếu vững chắc

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/6, Bộ VHTT&DL tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tại TP Hà Nội.

Qua kiểm tra ghi nhận, Hà Nội đã xây dựng được nhiều phong trào có chiều sâu, tuy nhiên tiến triển vẫn còn chậm, chưa tương ứng với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ đô văn minh, thanh lịch
Theo báo cáo của Sở VH&TT Hà Nội, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn TP đã thực hiện được một số kết quả.
Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) TP đã hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng các quy ước, hương ước làng, tổ dân phố trên địa bàn toàn TP, yêu cầu bổ sung các nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng; lồng ghép nội dung tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với việc thực hiện Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”.
Đoàn kiểm tra việc thực hiện phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' tại Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn
Về việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, hiện có 29/30 quận, huyện, thị xã có các thiết chế văn hóa, thể thao (quận Nam Từ Liêm chưa có do mới tách); 143/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã; 294/386 xã được cộng nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Việc xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “xã đạt chuẩn nông thôn mới”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã góp phần xây dựng hình ảnh, con người Thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại. Đến năm 2018, TP Hà Nội có 1.524/2.538 làng là “Làng văn hóa, đạt 60%; 3.580/5.422 tổ dân là “Tổ dân phố văn hóa”, đạt 71%.
Thực hiện còn hình thức
Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện như: Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa quyết liệt, kịp thời; công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”; chất lượng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo; việc bình xét, công nhận “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” ở một số địa phương, đơn vị còn làm qua loa, hình thức.
 Làng văn hóa Mễ Trì Thượng,quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng
Liên quan đến việc xây dựng môi trường văn hóa, Tổ trưởng Khu dân cư 13 phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân Vũ Huy Tám kiến nghị: “Hiện nay, quận Thanh Xuân đang triển khai mô hình “5 không” nhưng tôi cho rằng phải xây dựng thành mô hình “7 không”, thêm vào không đốt lá bừa bãi, không chặt phá cây xanh. Vừa rồi, có ngân hàng ở mặt đường tự ý chặt cây xanh, chúng tôi rất bức xúc. Hàng ngày, chúng tôi đi đếm từng cây, chăm sóc chúng như con người, tâm hồn của tổ dân phố”.
Tại buổi kiểm tra, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL Ninh Thị Thu Hương nhận định, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của TP Hà Nội đạt hiệu quả cao so với mặt chung toàn quốc. Điều này thể hiện ở việc Hà Nội đã thực hiện tốt 5 tiêu chí của phong trào, đặc biệt là tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh, bình chọn danh hiệu văn hóa.
Bên cạnh đó, bà Ninh Thị Thu Hương cũng cho biết, việc bình chọn “Gia đình văn hóa tiêu biểu” là rất cần thiết vì đó là cơ sở để nhân rộng những mô hình hay, tuy nhiên hiện nay danh hiệu này chưa có trong Luật, các địa phương cần có hình thức bình xét khác để động viên, nhân rộng những mô hình tiêu biểu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần