Phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 3 thời tiết nhiều mây, ít nắng, mưa phùn và độ ẩm không khí cao có thể xuất hiện 2 - 3 đợt không khí lạnh gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

 Nhằm giúp bà con nông dân chủ động phòng trừ dịch bệnh thường gặp trong chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xin lưu ý bà con một số công việc cần làm trong tháng 3 như sau:

Trước hết, bà con cần vệ sinh tiêu độc môi trường, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi chuẩn bị nhập giống. Bà con lưu ý, chỉ nhập gia súc, gia cầm ở các cơ sở chăn nuôi có chất lượng con giống tốt và an toàn dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi nhập giống về cần nuôi cách ly trong thời gian khoảng 15 ngày, sau đó mới cho nhập đàn.Vệ sinh, tiêu độc khu chăn nuôi bằng các dung dịch sát trùng như: Bencocid, Han lodin 10%, Clopheramin, vôi bột...

Tiếp theo là tiêm phòng đại trà đợt 1 trong năm cho toàn đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là các loại vaccine Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Tiêu chảy, Ecoli, Tai xanh, Cúm gia cầm...

Bà con cũng lưu ý việc phòng trừ bệnh dại trên đàn chó, mèo do bệnh dại có khả năng bùng phát và gia tăng nên bà con cần chủ động quản lý và tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại gia đình.

Đối với chăn nuôi thủy sản, đây là thời điểm thuận lợi để bà con cho đàn cá chép sinh sản chính vụ, tiếp tục nuôi vỗ cá trắm cỏ và các loại cá khác. Bên cạnh đó, bà con cần khẩn trương thu hoạch cá giống; chuẩn bị ao nuôi cá bột, nuôi cá thương phẩm Rô phi, Chép, Trắm... Đặc biệt, lưu ý định kỳ vệ sinh tiêu độc ao nuôi cá bằng vôi bột.