[Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị viết từ tâm dịch Covid-19 tại Mỹ] Bài 4: Cuộc sống người Việt ở Mỹ “xáo trộn” trong đại dịch

Bài, ảnh: Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 21/4, Mỹ tiếp tục là tâm dịch Covid-19 của toàn cầu khi số ca mắc bệnh lên tới 792.938 người, số ca tử vong là 42.518 người. Các ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại tất cả 50 tiểu bang, Thủ đô Washington D.C và các vùng lãnh thổ khác.

Tuy cùng nằm trong “top” 2 bang thịnh vượng nhất nước Mỹ nhưng số phận của California và New York hoàn toàn trái ngược giữa tâm dịch Covid-19. Trong khi, con số lây nhiễm tại California đang “lùi” xuống vị trí thứ 5, New York lại đang “chạy đua với thời gian” khi tỉ lệ tử vong cao hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài nước Mỹ.
Hiện đang có mặt tại Mỹ, một trong những cây viết trẻ, từng đoạt giải C trong lễ trao giải báo chí Quốc gia năm 2016 - phóng viên Nguyễn Thị Vân Hằng (sinh năm 1989) của báo Kinh tế & Đô thị - đã có những ghi chép về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nơi đây.
Bài 4: Cuộc sống người Việt ở Mỹ “xáo trộn” trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng trực diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại tâm dịch Covid-19 của toàn cầu, nhịp sống thường nhật của mọi thành phần xã hội ít nhiều bị xáo trộn, trong đó có cộng đồng người Việt.
99% cửa hàng đóng cửa
Các tiểu thương kinh doanh tại các chi nhánh Little Saigon thuộc bang California - Mỹ, nơi cư ngụ đông nhất của cộng đồng người Việt chia sẻ, mãi lực bán buôn giảm gần như bằng 0. Hàng loạt người Việt tại Mỹ đang có việc làm bỗng thất nghiệp chỉ sau một đêm do chủ doanh nghiệp đóng cửa để chống dịch Covid-19. Mức thất nghiệp tại Hoa Kỳ vào tháng 3/2020 đang ở mức 3,5%, thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, sang giữa tháng 4 lên kỷ lục (hơn 10%), với 22 triệu người khai thất nghiệp trong bốn tuần lễ.
Khu Grand Century (thuộc Little Saigon - San Jose) vắng lặng mùa đại dịch.
Theo nhiều hộ kinh doanh ở Vietnam Town và Grand Century (khu Little Saigon - San Jose) chưa bao giờ họ thấy khung cảnh nơi đây vắng vẻ đến vậy. Trước đây, vào cuối tuần, khu vực trên luôn đông đúc khách du lịch và cộng đồng người Việt đến tham quan, ăn uống. Gần đây nhất vào dịp Tết Nguyên đán 2020, những nơi này còn nhộn nhịp tiếng pháo, múa lân, khách chạy xe vào phải ngậm ngùi đi ra bởi bãi đỗ xe không còn chỗ trống. Thế nhưng, hiện tại 99% cửa hàng tại đây đều “cửa đóng then cài”.
Chỉ lác đác vài người thỉnh thoảng ghé qua xem tình hình cửa tiệm sau thời gian dài nghỉ buôn bán. Bên trong khu Grand Century, các cửa hiệu nữ trang, kim hoàn, đồng hồ, ăn uống… lạnh tanh, không bóng người. Bên kia đường, các cơ sở kinh doanh đặc thù như: tiệm nail, spa, cắt tóc, quán phở… thường tấp nập, hiện giờ hoàn toàn im lặng.
Đi ngược xuống khu nhà lồng (Thương xá Lion Plaza - San Jose), chị Hồng Anh buôn bán hủ tiếu (qua Mỹ định cư 15 năm), nói “chưa từng đóng cửa tiệm lâu đến vậy”. Kể từ ngày giới nghiêm 17/3 đến nay, 90% hộ kinh doanh, buôn bán trong nhà lồng đều dừng.
“Cả gia đình tôi sau khi cố mở cửa một vài hôm phục vụ khách đến mua đi, cũng đành đóng quán (vì lượng khách mua rất ít). Thu nhập hàng tháng bị ảnh hưởng. Hiện, chúng tôi đã nhận được 1.200 USD/người từ gói cứu trợ 2.200 tỷ USD do Chính phủ Mỹ trợ cấp cho người dân. Riêng chương trình hỗ trợ giới tiểu thương vay tiền lãi suất thấp bù lỗ mùa dịch, tôi vẫn chưa nắm được cách thức điền thông tin (do hạn chế về ngôn ngữ). Ai cũng mong dịch qua nhanh để buôn bán trở lại. Chính phủ chi ra một khoản lớn như vậy rất dễ thâm hụt ngân sách. Nhiều khả năng, chính người dân phải “cày” để đóng thuế nhiều hơn cho những năm sau ” - chị Hồng Anh chia sẻ.
Chợ Lion trở nên thưa thớt khách hàng dù dịp cuối tuần. 
Ngay sát cạnh nhà lồng, khu chợ trời là nơi bán các mặt hàng hoa quả, rau củ… tươi sống thu hút đông lượng khách Việt đến mua cũng chỉ còn một vài gian hàng mở cửa. Riêng chợ Lion, cửa hàng Lees Sandwiches, Đức Hương, bán đồ to-go (mang đi) còn hoạt động.
Tuy nhiên, lượng khách xếp hàng chờ thanh toán thưa thớt hơn. Người dân đa số đều mua tích trữ từ trước, nên họ chỉ có nhu cầu mua một số nhu yếu phẩm phát sinh như: nước uống, một vài gia vị nấu đồ ăn Việt Nam… để đảm bảo sinh hoạt.
Mong chính quyền sớm khống chế được dịch
Số đông cộng đồng người Việt ở Mỹ mong muốn chính quyền nhanh chóng khống chế được dịch bệnh để sớm cân bằng cuộc sống hơn là chờ nhận tiền cứu trợ.
Chị Ánh, 35 tuổi hiện đang kiếm sống bằng nghề làm nail tại San Francisco, California, cho biết, cuộc sống ở Mỹ của chị chưa bao giờ khó khăn như hiện tại. Chị kể từ khi Thống đốc bang ra lệnh đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, tiệm nail của chị đã nghỉ được hơn hai tuần lễ. Trong khi đó, chồng chị, vốn làm lái xe chạy Uber cũng đã nghỉ ở nhà vì khách du lịch lẫn nội địa đều không có nhu cầu thuê xe lúc này do sợ dịch bệnh lây lan.
Nhiều tiệm nail buộc phải cho nhân viên nghỉ để chống dịch Covid-19.
“Nếu dịch bệnh khống chế được vào đầu tháng 5, với khoản tiền tiết kiệm từ trước, có thể chúng tôi còn cầm cự được. Số tiền Chính phủ hỗ trợ 2.400 USD/2 người chỉ phụ giúp được chi tiêu sinh hoạt. Cái tôi lo nằm ở khoản tiền nhà đang trả góp ngân hàng (3.100 USD/tháng) không biết xoay sở ở đâu. Ngân hàng có thể du di thời gian thanh toán tiền nợ nhưng không miễn. Cuộc sống ở Mỹ không đi làm đồng nghĩa không có tiền. Sợ nhất việc ngân hàng “siết nhà” - chị Ánh thở dài nói.
Cộng đồng người Việt may khẩu trang vải để tặng cho các bệnh viện, cơ sở y tế.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Thế Minh cho hay, cuộc sống của anh thay đổi rõ rệt khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Trước khi có dịch, anh làm tại quán café ở thương xá Phước - Lộc - Thọ (quận Cam), thu nhập từ lương chính cộng tiền tip (tiền khách thưởng) mỗi tháng khoảng 3.000 USD. Hiện, trợ cấp thất nghiệp (gần 600 USD/tháng) và 1.200USD từ gói cứu trợ CARES khiến anh phải cắt bớt tiêu dùng khoảng 15 - 20%, không có dư để gửi về phụ giúp gia đình.
 Cộng đồng người Việt tham gia tặng quà các bệnh viện, cơ sở y tế.
Tuy sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn luôn giữ tinh thần sẻ chia với công cuộc chống dịch của nước sở tại. Mặc dù phải cách ly tại nhà, nhưng thấy hệ thống y tế Mỹ thiếu thốn khẩu trang, người Việt ở California và các nơi khác đã phát động phong trào may khẩu trang vải, gom khẩu trang KN95, N95, nước rửa tay mang tặng các bệnh viện (Bệnh Viện Franciscan Health Hospital (Bang Indiana), các trung tâm chăm sóc sức khỏe Vùng Bay Area), nhà dưỡng lão, các siêu thị…
Phong trào này đã được truyền thông Mỹ đưa tin như một nét đẹp trong cuộc sống chung của cộng đồng người Việt định cư tại đây. Tổng số khẩu trang do người Việt tự may đem trao tặng khó xác định chính xác là bao nhiêu, nhưng có thể lên con số hàng trăm nghìn.
 Cộng đồng người Việt ủng hộ khẩu trang y tế, khẩu trang vải, nón bảo hộ, nước rửa tay, vitamin... tặng cho các bệnh viện, cơ sở y tế.
Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) mơi đây đã phát biểu trên kênh truyền hình NBC rằng “Mỹ đang tiếp cận đỉnh dịch”. Vị quan chức này cũng nhấn mạnh việc tái khởi động Mỹ cần “một tiến trình dần dần, từng giai đoạn, tùy theo các dự liệu”.
Giới chuyên gia lại cảnh báo, việc “nôn nóng” dỡ bỏ nhanh chóng các biện pháp giãn cách xã hội có thể khiến virus Covid-19 biến thể sang chủng dịch mới, khốc liệt hơn ở các tâm dịch khác, ngoài nước Mỹ.
Để hỗ trợ và giúp đỡ người dân trong đại dịch Covid-19, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ra quyết định cho người dân gia hạn khai thuế 90 ngày đến ngày 15/7. Song song, ban hành luật cứu nguy kinh tế (CARES) với tổng chi 2.200 tỷ USD. 
Số tiền dân nhận được căn bản là 1.200 USD/người có mức thu nhập 75.000 USD một năm hay ít hơn. Các hộ kinh doanh nhỏ nhận được 377 tỷ USD trợ giúp, 19% của CARES, qua các khoản cho vay dễ dàng, không phải trả món nợ đang có và có tiền để giúp duy trì cũng như phục hồi cơ sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần