Phủ kín bình chữa cháy tới hộ dân

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng chứng kiến nhiều vụ cháy kinh hoàng xảy ra trên địa bàn TP, Ủy ban MTTQ phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân đã sáng tạo mô hình “Vận động các hộ gia đình trang bị bình bọt PCCC tại các khu tập thể phường Thượng Đình”. Từ đó, phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần chuyển biến rõ nét về ý thức của mỗi người dân.

Thức tỉnh ý thức của người dân
“Cầm bình cứu hỏa lên, lắc, rút chốt có kẹp chì, tay phải cầm bình, tay trái cầm vòi, ấn là hơi xịt ra…” - anh Nguyễn Văn Tài, chủ cơ sở sản xuất bánh mì tại 106 A4, Tổ dân phố số 4, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân vừa nói vừa thực hành cách sử dụng bình cứu hỏa mini. “Dù là nhà đi thuê, nhận thấy việc trang bị bình bọt PCCC là cần thiết, tôi đã chủ động sắm bình bọt PCCC, đầy đủ quần áo bảo hộ và các bảng biểu tiêu lệnh PCCC”- anh Tài chia sẻ.
 Ông Phạm Ngọc Nam (ảnh phải) - Trưởng khối dân vận, Chủ tịch MTTQ phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa mini.  Ảnh: Trần Thảo
Giống như anh Tài, dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng ông Lều Quốc Vinh (phòng 116 A5, tổ 5, khu Cơ khí 1A, phường Thượng Đình) sau khi được tham gia diễn tập PCCC, thỉnh thoảng lại mang bình cứu hỏa ra thực hành cho quen thao tác. Theo ông Vinh, ngoài biết cách sử dụng bình phải thường xuyên kiểm tra chất lượng, thời hạn sử dụng của bình cứu hỏa để có biện pháp xử lý kịp thời. Những chuyển biến tích cực trong ý thức của người dân về công tác PCCC thời gian qua là nhờ mô hình “Vận động các hộ gia đình trang bị bình bọt PCCC tại các khu tập thể của phường”. Phường Thượng Đình có hai khu vực mới được xây dựng và khu dân cư cũ. Với 11 khu dân cư, 27.400 nhân khẩu. Đặc thù của khu dân cư cũ là có nhiều nhà cao tầng được xây dựng từ năm 1956 đã xuống cấp, nhiều chuồng cọp, đường vào nhỏ hẹp, xe cứu hỏa vào rất khó khăn, thậm chí xe không vào được mỗi khi có cháy.

Đưa bình cứu hỏa đến từng nhà

Từ thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy trên địa bàn TP, quận Thanh Xuân và khu dân cư, từ đầu năm 2018, Ủy ban MTTQ phường Thượng Đình đã xây dựng và triển khai mô hình vận động Nhân dân mua bình PCCC. Đây là sáng kiến mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào toàn dân tham gia PCCC. “Tuy ban đầu, mô hình gặp đôi chút khó khăn nhưng nhờ công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, người dân thấy được tác dụng của bình cứu hỏa. Từ đó, mô hình dần nhận được sự hưởng ứng của Nhân dân” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thượng Đình Phạm Ngọc Nam chia sẻ.

Sau khi khảo sát khu dân cư, MTTQ phường phối hợp với Cảnh sát PCCC số 8 của TP hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng bình, tập huấn những tình huống cháy giả định. Ông Nam cho hay, Nghị quyết của Đảng ủy đưa ra, lấy lực lượng cán bộ làm chủ chốt, gương mẫu đi đầu trong việc trang bị bình cứu hỏa tại gia đình, sau đó vận động các hộ dân mua. Khi xảy ra cháy, chính quyền huy động bình PCCC của dân, sau đó sẽ trả lại bình mới cho Nhân dân. “Nhờ công tác dân vận khéo nên đến nay, nhận thức của người dân về công tác PCCC được nâng lên rõ rệt, có nhiều chuyển biến, nhất là các hộ kinh doanh” - ông Nam khẳng định.

Bất ngờ hơn, khi triển khai mô hình, nhiều tổ dân vận đã đưa ra sáng kiến trang bị bình PCCC ở ngoài hành lang khu nhà cao tầng để dễ lấy hơn khi có cháy. Hay với sáng kiến của khu cơ khí 1A, 1B, là dùng hình thức mua bình cứu hỏa để thưởng cho dân, lấy đó làm tiêu chí xét thi đua; làm quà tặng cho người nghèo. Nhờ đó, đến nay, bình cứu hỏa gần như đã được phủ kín các hộ gia đình trên địa bàn phường. Từ mô hình này, quận Thanh Xuân đã và đang nhân rộng ra các phường khác (hiện đã có thêm phường Thanh Xuân Bắc). “Điều đó cho thấy, đây là việc làm đúng đắn, hiệu quả, thiết thực, được Nhân dân đồng thuận, đó là một thành công”- ông Nam nhận định.