Phụ nữ đang “làm chủ” 342 hợp tác xã

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa có báo cáo về vai trò của hội viên phụ nữ các cấp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể.

Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể 
Theo đó, trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, vai trò của Hội LHPN các cấp luôn được thể hiện trên nhiều phương diện và lĩnh vựcĐại hội Phụ nữ toàn quốc Hội LHPN Việt Nam các nhiệm kỳ đều đưa ra chỉ tiêu hỗ trợ thành lập HTX.
Riêng đối với nhiệm kỳ XII, chỉ tiêu “Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội phối hợp hỗ trợ thành lập 300 hợp tác xã do phụ nữ quản lý” và đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 cũng đặt ra mục tiêu “Phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý”. Trong đó, chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động các hợp tác xã.
Nhiều hình thức tuyên truyền về Nghị quyết số 13-NQ/TW, Luật Hợp tác xã năm 2012, Chỉ thị 19/CT-TTg, Chỉ thị 12/CT-TTg, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, ủy ban nhân dân địa phương được triển khai đến 90% cán bộ Hội LHPN các cấp và hơn 80% hội viên phụ nữ tại 63 tỉnh, TP thông qua các kênh truyền thông. Đồng thời, phối hợp phát sóng các chương trình phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình hợp tác xã, xuất bản cẩm nang về hợp tác xã…
Điểm mới trong chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam trong những năm gần đây là đồng bộ nhiều nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế để thí điểm xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn, mô hình phụ nữ khởi nghiệp và mô hình giúp phụ nữ nghèo nhằm thành lập các hợp tác xã trong nông nghiệp để tạo việc làm bền vững và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ.
Việc thành lập các mô hình Hợp tác xã nông nghiệp được các cấp Hội chỉ đạo gắn với việc “sản xuất thực phẩm sạch” và “tiêu dùng sạch”. Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ thành lập, quản lý mới 342 HTX với trên với 6.526 thành viên, trong đó có trên 60% là các Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Nhiều mô hình Hợp tác xã đã phát triển theo hướng chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, PGS nhằm đáp ứng nhu cầu cao của thị trường về thực phẩm an toàn. Các HTX nông nghiệp do phụ nữ tham gia quản lý đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên và một số lao động thời vụ, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu tại địa phương như mô hình Hợp tác xã chanh không hạt tại Cần Thơ; Hợp tác xã Chè Tân Hương sản xuất chè sạch, Hợp tác xã trồng cây dược liệu tại Nam Định; Hợp tác xã trồng rau theo hướng hữu cơ tại Hà Nam; Hợp tác xã trồng sả tại Hòa Bình, Hợp tác xã trồng rau an toàn tại Hà Tĩnh...