Phụ nữ Hà Nội tham gia xây dựng mô hình kinh tế tập thể

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/4, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức hội thảo “Vai trò của Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã”.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết cho biết, 15 năm qua, Ban Thường vụ Hội LHPN TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ toàn TP triển khai nhiều giải pháp, hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của hội viên về mô hình kinh tế tập thể (KTTT) và các giải pháp phát triển kinh tế gia đình góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chủ động phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã (HTX).
Gắn việc phát triển các mô hình KTTT với việc thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường". Phổ biến các chính sách tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho HTX của Chính phủ và các tổ chức tín dụng đến cán bộ, hội viên HTX, tổ hợp tác, tôn vinh, biểu dương các điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi…
 Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết phát biểu tại hội thảo.
Hàng năm, các cấp hội đều tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết tới cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân Thủ đô. Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho trên 140 lượt cán bộ quản lý các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết; phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo, tham quan, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tại các HTX các mô hình kinh tế đông hội viên phụ nữ tham gia như: HTX rau an toàn xã Tiền Lệ (Hoài Đức), thịt lợn sạch (Thạch Thất), HTX nấm Sáng Thiện (Sóc Sơn), HTX hoa lan (Phúc Thọ)... cho trên 2.000 hội viên phụ nữ của các quận nội thành, hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, giới thiệu các tổ chức quốc tế, các chương trình tín dụng hỗ trợ các nguồn lực cho các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết…
Sau 15 năm với nhiều giải pháp và các hoạt động thiết thực hiệu quả, đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập được 7 HTX, 4 tổ hợp tác và 13 tổ, nhóm liên kết để giúp phụ nữ liên kết, hỗ trợ lẫn nhau sản xuất, kinh doanh với lĩnh vực hoạt động đa dạng gồm nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, nông sản an toàn), tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và theo xu hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp gắn với dịch vụ phục vụ lợi ích cho HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết và thành viên.
Các cấp hội phụ nữ giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết tới cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân Thủ đô. 
Qua hoạt động của các mô hình KTTT đã tạo sự đoàn kết, gắn bó với nhau trong xóm, ngoài làng. Việc thành lập, phát triển các mô hình KTTT đã phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, Nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương.
Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển các mô hình KTTT của các cấp Hội phụ nữ Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, khó khăn; việc hỗ trợ của các cấp Hội trong quá trình thành lập các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ điều hành, quản lý còn chưa nhiều; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa sâu và hiệu quả, đặc biệt chưa hiểu rõ tính ưu việt của HTX kiểu mới; quyền và nghĩa vụ khi tham gia tổ hợp tác, HTX...
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những ý kiến kết quả, những tồn tại, hạn chế và những kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động thành lập HTX, tổ hợp tác; trong tranh thủ các nguồn lực để thành lập và duy trì hoạt động của HTX. Từ đó, đưa ra những định hướng chỉ đạo trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả và vai trò của tổ chức hội trong xây dựng và phát triển các mô hình KTTT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần