Phụ nữ vẫn ở thế yếu khi tìm việc làm lương cao

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có phụ nữ thường không có nhiều cơ hội tiếp cận được việc làm tốt với thu nhập ổn định và điều kiện làm việc đảm bảo. Vì họ có trình độ học vấn thấp, sức khỏe hạn chế, ít thông tin về thị trường lao động, hạn chế về năng lực chuyên môn”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Chiều 7/3, Bộ LĐTB&XH và Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm chính sách “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công thức đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động”.
Quang cảnh tọa đàm
Tại đây, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà thông tin, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở nhóm quốc gia có nhiều tiến bộ trong thực hiện bình đẳng giới và hoàn thành sớm Mục tiêu thiên niên kỷ về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Theo đó, năm 2018, phụ nữ là chủ DN đạt 31,3% trên tổng số chủ DN và xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam đang là quốc gia duy nhất của châu Á có mặt trong top 10 nước cao nhất toàn cầu về chỉ số này, tiếp tục duy trì thứ hạng về chỉ số cơ hội và tham gia vào nền kinh tế của phụ nữ.
Bên cạnh đó công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Năm 2018, trong số người được tạo việc làm mới thì lao động nữ chiếm 48%. Những mô hình tạo việc làm có hiệu quả thu hút được nhiều lao động nữ tham gia. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật, chính sách chưa hoàn thiện dẫn đến chất lượng việc làm của phụ nữ còn thấp.
Chia sẻ thông tin về luật pháp, chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động, TS Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết: Lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo vẫn luôn ở mức thấp, đồng thời thấp hơn so với lao động nam. Những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, khu vực phi chính thức thì lao động nữ chiếm tỷ trọng cao hơn so với nam. Ngược lại, những nghề có vị thế cao thì lao động nữ lại chiếm tỷ lệ thấp. Ví dụ, quản lý trong các ngành, cấp, đơn vị thì lao động nữ chiếm 0,59%, trong khi lao động nam 1,52%. Hay, nhân viên dịch vụ và bán hàng, lao động nữ chiếm 22,7%, lao động nam là 13,18%.
Ông Đào Quang Vinh cũng chỉ ra hạn chế, phụ nữ yếu thế hơn so với nam giới trong các công việc có vị thế tốt hơn; khoảng cách giới về tiền lương và thu nhập vẫn còn tồn tại.
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại tọa đàm
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới, đó là những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ. Những yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực… đến từ sự thay đổi phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời đại mới. Trong khi đó, chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là nhiệm vụ chủ yếu, trách nhiệm của phụ nữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia vào thị trường lao động và tiếp cận các dịch vụ công của phụ nữ.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã đưa ra các khuyến nghị. Theo đó, sửa đổi Bộ luật Lao động để đảm bảo bình đẳng về cơ hội trên thị trường lao động cho cả nam và nữ. Cùng với đó làm giảm bớt gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc không lương đối với phụ nữ thông qua phát triển hệ thống chăm sóc dài hạn toàn diện.
Xóa bỏ định kiến giới trong thị trường lao động về công việc phù hợp với nữ và nam. Đồng thời khuyến khích đào tạo nghề nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ trong các lĩnh vực nam giới vẫn chiếm ưu thế cũng được đưa ra tại buổi tọa đàm.