“Phù phép” khóa học dạy nghề cho người thất nghiệp: Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thông tin phản ánh Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (DVVLHN) “phù phép” khóa học dạy nghề cho người thất nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Sở LĐTB&XH Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra, đầu tuần tới có kết quả sơ bộ.

Kinh phí học nghề được chuyển cho cơ sở đào tạo
Ngày 19/12/2019, báo Lao động có bài“Phù phép” khóa học dạy nghề cho người thất nghiệp – Lớp học “nói dối” đối phó các cuộc kiểm tra đột xuất phản ánh hàng nghìn người thất nghiệp tham gia học nghề tại các cơ sở thuộc Trung tâm DVVLHN (215 Trung Kính, quận Cầu Giấy) được hướng dẫn ký vào các giấy tờ có nội dung xin học sửa xe ô tô (mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người) nhưng thực tế được học lái xe ô tô (mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người).
 Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Internet
Ngày 9/1/2020, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân thông tin: Ngày 19/12/2019, ngay khi báo Lao động đăng bài viết, Sở đã yêu cầu Trung tâm DVVLHN kiểm tra, rà soát nội dung phản ánh. Ngày 20/12/2019, Sở LĐTB&XH Hà Nội và Cục Việc làm đã làm việc với Trung tâm DVVLHN và Công ty CP Đào tạo nghề và vận tải ô tô Thành Công (viết tắt Công ty Thành Công) – đơn vị tham gia đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), có tên trong bài báo phản ánh.
Kết quả kiểm tra, rà soát của Trung tâm DVVLHN cho thấy: Công ty Thành Công là đơn vị có đăng ký tham gia đào tạo nghề cho lao động hưởng BHTN như các đơn vị khác, không phải là đơn vị trực thuộc Trung tâm DVVLHN.
Việc chi trả tiền hỗ trợ học nghề cho người lao động (NLĐ) được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) chuyển trực tiếp về cơ sở dạy nghề theo quy định tại khoản 5, Điều 12 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể, hàng tháng, cơ sở dạy nghề lập danh sách và có chữ ký của NLĐ đang học nghề chuyển tổ chức BHXH để thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo tháng và thời gian thực tế NLĐ tham gia học nghề. Do đó, không có việc tiền hỗ trợ của chính trách trực tiếp chuyển về Trung tâm DVVLHN sau đó mới thanh toán cho Công ty Thành Công.
Có sự trục lợi tiền bảo hiểm thất nghiệp?
Trả lời phóng viên về việc có sự “phù phép” học nghề sửa chữa xe ô tô 6 triệu đồng/người chuyển thành học nghề lái xe ô tô 3 triệu đồng/người, ông Nguyễn Hồng Dân giải thích: “Theo quy định, mỗi người hưởng BHTN được hỗ trợ tối đa 6 tháng học nghề với mức 1 triệu đồng/tháng. Quyết định của Sở LĐTB&XH Hà Nội, lao động BHTN học nghề sửa chữa ô tô 6 tháng được hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng. Nhưng, hàng tháng học viên phải khai báo, ký nhận đã học nghề, sau đó đơn vị tổ chức dạy nghề chuyển danh sách lên cơ quan BHXH TP Hà Nội. Và cơ quan BHXH TP chuyển kinh phí hỗ trợ học nghề theo tháng cho đơn vị dạy nghề, chứ không phải một lúc chuyển luôn 6 triệu đồng”.
Về việc vì sao học nghề sửa chữa xe ô tô lại có cả học nghề lái xe ô tô, Giám đốc Công ty Thành Công Lê Minh Tuyến giải trình: Chương trình dạy nghề sửa chữa xe ô tô trình độ sơ cấp có thời gian đào tạo 6 tháng, 7 mô đun. Mô đun thứ 7 “Kỹ thuật lái xe ô tô”, giúp cho NLĐ được làm quen với chuyển động của xe, vì trong thời gian học, học viên có lúc phải lái xe di chuyển từ vị trí này sang nơi khác.
Mô đun 7 là bài cuối cùng nhưng để tạo điều kiện cho người học, học viên muốn học mô đun nào trước cũng được. Rất nhiều học viên khi đến Công ty đăng ký học đều yêu cầu học ngay lái xe ô tô dẫn đến tình trạng hiểu sai về khóa học. Vì thế, trong ngày khai giảng, giáo viên thường nhắc học viên hiểu rõ chương trình mình học là “Sửa chữa ô tô”. Giám đốc Công ty Thành Công khẳng định không có trục lợi tiền hỗ trợ dạy nghề cho lao động BHTN.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, việc báo cáo giải trình của Trung tâm DVVLHN và Công ty Thành Công là bước đầu. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có báo cáo kiểm tra thông tin phản ánh gửi Cục Việc làm. “Từ tuần trước, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra và hiện vẫn đang làm việc. Đầu tuần tới, chúng tôi yêu cầu đoàn kiểm tra có báo cáo kết quả sơ bộ trước Ban Giám đốc Sở và báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND TP, các cơ quan chức năng, thông tin với báo chí kết quả kiểm tra. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu trục lợi, sẽ chuyển cơ quan điều tra, chứ không đơn giản chỉ là xử lý vi phạm hành chính” – ông Dân cho hay.