Phú Thọ: người dân đến trung tâm hành chính công giải quyết thủ tục tăng cao sau sáp nhập
Kinhtedothi - Sau thời điểm sáp nhập các đơn vị hành chính, lượng người dân đến làm thủ tục tại các Trung tâm phục vụ Hành chính công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tăng đột biến. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ vẫn được triển khai hiệu quả, không xảy ra tình trạng quá tải hay lộn xộn.
Tăng đột biến số lượng hồ sơ, vẫn đảm bảo thông suốt
Ngày 2/7, ghi nhận của PV Báo Kinh tế & Đô thị tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên (số 5 Lê Lợi) cho thấy, ngay từ sáng sớm rất đông người dân đã tập trung để đăng ký giải quyết các dịch vụ hành chính. Dù khối lượng công việc tăng nhiều lần so với trước, quá trình xử lý hồ sơ vẫn diễn ra trật tự, nhịp nhàng.
Dù khối lượng công việc tăng nhiều lần so với trước, quá trình xử lý hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên vẫn diễn ra trật tự, nhịp nhàng. Ảnh: Sỹ Hào
Phường Vĩnh Yên được hình thành trên cơ sở 4 phường trước đây của TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cũ gồm: Tích Sơn, Thanh Trù, Hội Hợp, Đồng Tâm. Việc cư dân các phường cũ đều tập trung tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên mới để giải quyết thủ tục hành chính, dẫn đến số lượng công việc sẽ nhiều hơn.
Ông Nguyễn Xuân Quyết, một cư dân phường Vĩnh Yên chi sẻ: “Trước kia, ở phường Đồng Tâm cũ, chúng tôi chỉ cần đến trụ sở UBND địa phương để đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính. Nay phải đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên, việc đi lại có xa hơn nhưng bù lại tất cả các thủ tục hành chính đều được giải quyết tại một địa điểm. Tôi không rành công nghệ, nhưng cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chu đáo nên mọi việc đều thuận lợi.”
Nhiều cư dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên mới sáng 2/7. Ảnh: Sỹ Hào
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phúc Yên mới (29 Ngô Gia Tự), PV cũng ghi nhận tình trạng tương tự, nhiều người dân tập trung giải quyết thủ tục hành chính. Một cán bộ làm việc tại đây cho biết, đến trưa 2/7 vẫn còn rất đông cư dân đến đăng ký giải quyết các thủ tục hành chính.
“Mọi thủ tục đều được người dân thực hiện theo đúng hướng dẫn, từ khâu đăng ký, nộp hồ sơ, lấy số thứ tự cho đến chờ đợi đến lượt giải quyết. Do số lượng người đến làm thủ tục rất đông, đến từ các phường cũ như Hai Bà Trưng, Hùng Vương, Phúc Thắng, Tiền Châu, nên họ đang dần quen với việc tuân thủ quy trình do nhân viên Trung tâm phục vụ hành chính công hướng dẫn, đặc biệt là việc đăng ký xếp hàng, lấy số thứ tự và chờ giải quyết hồ sơ”- một nhân viên Trung tâm phục vụ hành chính công phường Phúc Yên cho biết.
Hệ thống mới, cán bộ còn bỡ ngỡ
Trao đổi với PV, ông Thiều Chí Huỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên cho biết, các thủ tục liên quan đến đất đai, đăng ký kinh doanh, tư pháp hộ tịch, chứng thực, lao động - thương binh - xã hội, chế độ chính sách là những lĩnh vực được người dân đăng ký nhiều nhất.
“Đây đều là những thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi sát sườn và rất thiết thực của người dân. Trước kia, họ có thể ra UBND sở tại để giải quyết, nhưng bây giờ thì phải ra các trung tâm hành chính công. Việc đi lại có thể xa hơn nhưng thủ tục sẽ nhanh gọn hơn bởi lược bỏ được khâu trung gian. Mặt khác, bộ máy hoạt động tại các trung tâm cũng đồng bộ, chuyên nghiệp hơn, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại hơn” - ông Thiều Chí Huỳnh cho biết.
Ông Thiều Chí Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên.
Chia sẻ về một số khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, ông Thiều Chí Huỳnh cho biết: Trước đây, việc xử lý hồ sơ cho người dân được thực hiện trên hệ thống phần mềm quản lý của tỉnh Vĩnh Phúc cũ. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất việc kiện toàn, hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình để thành lập tỉnh Phú Thọ mới, hệ thống phần mềm cũng buộc phải chuyển đổi từ nền tảng quản lý cũ của tỉnh Vĩnh Phúc sang hệ thống dùng chung của tỉnh Hòa Bình. Việc thay đổi này đã khiến đội ngũ cán bộ bước đầu gặp không ít khó khăn trong quá trình làm quen và vận hành hệ thống mới.
“Hệ thống cập nhật giải quyết thủ tục hành chính mới nên người tiếp nhận giải quyết ban đầu sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, kỹ năng thao tác chưa thành thạo, chuyên sâu. Tuy nhiên chỉ qua một thời gian ngắn thì những khó khăn này sẽ nhanh chóng được khắc phục, giải quyết” - ông Thiều Chí Hùng cho biết.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bước đầu đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Dù khối lượng công việc tại các trung tâm phục vụ hành chính công tăng đột biến, nhất là tại những địa phương hợp nhất từ nhiều phường cũ, song nhìn chung, công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ vẫn được duy trì ổn định, đảm bảo quy trình và chất lượng phục vụ.
Đây là giai đoạn quá độ mang tính thử thách, nhưng cũng cho thấy hiệu quả bước đầu của mô hình tổ chức lại chính quyền và bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp. Trong thời gian tới, khi hệ thống công nghệ được hoàn thiện đồng bộ, quy trình vận hành ổn định và người dân quen dần với các thay đổi, việc giải quyết thủ tục hành chính được kỳ vọng sẽ ngày càng nhanh chóng, thuận tiện hơn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở ở tỉnh Phú Thọ mới.

Phú Thọ triển khai 33 địa điểm cấp căn cước công dân và định danh điện tử từ ngày 1/7
Kinhtedothi- Nhằm đảm bảo việc cấp căn cước và định danh điện tử được thực hiện liên tục, thuận tiện cho người dân, Công an tỉnh Phú Thọ đã công bố danh sách 33 địa điểm tiếp công dân để giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh, bắt đầu từ ngày 1/7.

Phú Thọ hội tụ, gắn kết một không gian phát triển mới đầy triển vọng
Kinhtedothi - Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là 3 vùng đất với 3 bản sắc riêng biệt nay đang hội tụ, gắn kết chặt chẽ trong một không gian phát triển mới đầy triển vọng.

Phú Thọ công bố hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã
Kinhtedothi - Sáng 30/6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã, chấm dứt hoạt động ĐVHC cấp huyện và kiện toàn tổ chức bộ máy chính trị sau sáp nhập.