Phú Thọ sau sáp nhập: mở rộng không gian công nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư
Kinhtedothi - Việc hợp nhất 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ mới đã mở ra không gian phát triển kinh tế rộng lớn, giúp tối ưu hóa nguồn lực, thu hút đầu tư hiệu quả và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Động lực mới từ các dự án quy mô lớn
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 58 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 14.055 ha, trong đó 16 khu đã đi vào hoạt động, 4 khu đang xây dựng, 8 khu đang giải phóng mặt bằng.
Trong số các khu đã hoạt động, địa bàn Vĩnh Phúc cũ chiếm ưu thế với 9 khu công nghiệp, Hòa Bình cũ có 3 khu và Phú Thọ cũ có 4 khu. Tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 44,3%.
Tính đến hết tháng 6/2025, các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ đã thu hút 818 dự án đầu tư, bao gồm 507 dự án FDI với tổng vốn trên 9,7 tỷ USD và 311 dự án DDI với tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng. Các khu này đang tạo việc làm cho gần 210.000 lao động.
Đến hết tháng 6/2025 có 210.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Lương Giang
6 tháng đầu năm 2025, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 104 dự án với tổng vốn trên 500 triệu USD và 11.370 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỉnh Hòa Bình cũ thu hút nhiều dự án lớn như: Dự án sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm của Công ty CP Nông nghiệp Đa Phúc, vốn 7.500 tỷ đồng; Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Nông nghiệp Yên Thủy, vốn 7.000 tỷ đồng; Dự án mở rộng khu du lịch, nghỉ dưỡng của Công ty CP Thương mại và Du lịch Lạc Hồng, vốn gần 2.000 tỷ đồng. Tỉnh Phú Thọ cũ cũng ghi dấu với Dự án sân golf Việt Trì, vốn hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhiều "điểm nghẽn" cần tháo gỡ để phát triển bền vững
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc thu hút đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn. Khung pháp lý liên quan đến khu công nghiệp còn chưa hoàn thiện, việc điều chỉnh giữa các luật chuyên ngành dễ gây xung đột, thiếu thống nhất. Sau sáp nhập, các quyết định ủy quyền và thủ tục hành chính của Ban Quản lý khu công nghiệp ba tỉnh cần được ban hành, cập nhật đồng bộ.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư; chính sách an sinh xã hội, điều kiện sống của người lao động trong khu công nghiệp cần được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.
Trước thực tế mới, tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hợp tác với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, cơ khí, logistics. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hợp tác với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, cơ khí, logistics. Ảnh minh họa: Lương Giang
Ban Quản lý các khu công nghiệp đề xuất UBND tỉnh trình HĐND thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc trong đầu tư. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng; đồng bộ hóa quy hoạch, phân cấp quản lý và ban hành cơ chế thu hút đầu tư mới.
Ngoài ra, các sở ngành được đề nghị phối hợp chặt chẽ: Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường quản lý tài nguyên trong các khu công nghiệp; Sở Xây dựng sớm tham mưu quy hoạch hạ tầng xã hội kết nối khu công nghiệp; Sở Nội vụ tăng cường quản lý lao động nước ngoài; Sở Công Thương đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao và bảo đảm cung ứng điện ổn định cho sản xuất.
Việc hợp nhất 3 tỉnh thành Phú Thọ mới không chỉ mở rộng không gian phát triển công nghiệp mà còn tạo cơ hội đột phá trong thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với chiến lược đúng đắn, sự vào cuộc đồng bộ và các chính sách linh hoạt, Phú Thọ kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong giai đoạn phát triển mới.
Phú Thọ: tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông vừa chủ trì hội nghị chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, có chiều dài gần 100km đi qua địa bàn 5 phường, 15 xã của tỉnh Phú Thọ.

Tỉnh Phú Thọ: khẩn trương phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông vừa ký ban hành Văn bản số 437/UBND-NNMT, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch.
Phú Thọ: nhiều vướng mắc cần tháo gỡ cho các trung tâm hành chính công
Kinhtedothi - Sau hơn 2 tuần chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Phú Thọ, bao gồm trung tâm cấp tỉnh và 148 trung tâm cấp xã, phường, đã cơ bản vận hành ổn định.