Phú Xuyên tăng giá trị sản phẩm OCOP

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Phú Xuyên đã đẩy mạnh chương trình theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị sản phẩm làng nghề.

Hưởng lợi từ OCOP
Ông Mai Như Khúc, xã viên HTX Nông nghiệp Hòa Bình (xã Bạch Hạ) trồng hơn 100 gốc Bưởi Thồ trên khu đất 6.000m2, năm 2016 bắt đầu thu hoạch với khoảng 350 quả/cây, cho thu nhập đạt 500 - 600 triệu đồng/năm. Cũng vào thời điểm này, ông bắt đầu nhân giống cây bưởi Thồ cho các hộ trên địa bàn, đến nay đã có hàng nghìn gốc bưởi Thồ được trồng trên diện tích 8ha ở các xã Khai Thái, Minh Tân, Bạch Hạ…

Giống bưởi Thồ do ông Khúc nghiên cứu, nhân giống tạo thành dòng sản phẩm đặc trưng mới cho vùng chiêm trũng Phú Xuyên, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, dòng sản phẩm bưởi Thồ đã bước đầu được nhiều người biết đến, đặc biệt, giữa tháng 11/2020, được hội đồng thẩm định chấm sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
 Các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Phú Xuyên.
Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Hà Nội, thôn Cát Bi, xã Nam Tiến có 20 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Theo Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Quang, đơn vị đã liên kết với một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn để thu mua bò và lợn thương phẩm phẩm về phục vụ chế biến thành sản phẩm giò, dăm bông, xúc xích, lạp sườn, thịt xông khói… cũng đều đã được chấm đạt 4 sao.

Liên quan đến lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: Rau cần Khai Thái, măng tây xanh Hồng Thái, nuôi thủy sản xã Hoàng Long, xã Chuyên Mỹ. Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều làng nghề: Giày da Phú Yên, đồ gỗ xã Sơn Hà, may mặc quần áo xã Vân Từ… với hàng nghìn công ty, cơ sở sản xuất, HTX. Đây chính là lợi thế để huyện phát triển Chương trình OCOP.

Khởi nghiệp tại nông thôn

Để đạt tiêu chí sản phẩm OCOP cấp TP, các chủ thể tham gia chương trình OCOP huyện Phú Xuyên đã củng cố, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hoàn tất việc đang ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện vùng sản xuất theo quy trình VietGAP… Chương trình OCOP đã giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm chất lượng, mang đậm tính đặc sắc văn hóa vùng miền và sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân chia sẻ, đẩy mạnh Chương trình OCOP trên địa bàn, địa phương xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn. Qua đó, huyện đã tập huấn cho các chủ thể tham gia OCOP và cán bộ thực hiện chương trình, hướng dẫn các chủ thể lập hồ sơ, lựa chọn sản phẩm để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Theo kế hoạch TP giao, giai đoạn 2019 - 2020, Phú Xuyên phải hoàn thành 100 sản phẩm OCOP. Nhờ sự quyết liệt của các chủ thể và chính quyền địa phương trên địa bàn, qua đó hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đã bình xét, lựa chọn, phân hạng, chấm điểm được 97 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sao.
"Chương trình OCOP đang tạo động lực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện mở rộng, phát triển kinh doanh, tạo đà cho DN, HTX khởi nghiệp tại khu vực nông thôn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần