Phú Xuyên xử lý hàng loạt công trình vi phạm

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Phú Xuyên cũng như các địa phương khác của TP trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, tốc độ xây dựng nhà ở, công trình phục vụ cho sản xuất, kinh doanh gia tăng. Cùng với đó, trên địa bàn đã xảy ra hàng nghìn trường hợp vi phạm về quản lý sử dụng đất đai.

Huyện Phú Xuyên cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại thị trấn Phú Minh cuối năm 2017. Ảnh: Nguyễn Trường
Nghiêm túc thực hiện kết luận
Cùng với việc chú trọng công tác thanh, kiểm tra, quản lý đất đai, xây dựng, những xã có làng nghề truyền thống, huyện Phú Xuyên cũng tập trung xử lý kịp thời các khu vực trung tâm thường xuyên có thông tin phản ánh từ người dân. Trong năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiến hành thanh, kiểm tra công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn thời điểm trước năm 2016. Ngày 20/1/2017, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có Kết luận số 27-KL/UBKTTU xác định vi phạm tại một số địa phương. Trong đó, vi phạm xảy ra tập trung tại xã Sơn Hà, Phú Túc, thị trấn Phú Minh… với 1.694 trường hợp lấn chiếm đất công, xây nhà trên đất nông nghiệp (NN), trong đó 1.421 trường hợp lấn chiếm đất công, 273 trường hợp vi phạm trên đất NN.
“Từ đầu năm 2017 đến nay, ngoài xử lý vi phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, qua thanh, kiểm tra, UBND huyện đã chỉ đạo xử lý hơn 60 trường hợp vi phạm ngay từ khi mới phát sinh”.

Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có kết luận, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng các xã có vi phạm được nêu tại kết luận phối hợp lập hồ sơ, tuyên truyền, vận động. Qua đó, hàng trăm trường hợp đã phối hợp với chính quyền giải quyết về đất đai, tự giác tháo dỡ công trình. Những trường hợp vi phạm nhưng chây ỳ, huyện cương quyết thực hiện cưỡng chế. Trong khi với công trình vị trí đất nằm trong phạm vi quy hoạch khu dân cư, đảm bảo các điều kiện, huyện tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ gửi sở, ngành xem xét, đề xuất xin TP chấp thuận hoàn thiện hồ sơ, công khai các bước giải quyết để chủ hộ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đến nay, còn 144 trường hợp đang chờ xử lý, trong đó có 71 trường hợp tại xã Sơn Hà đang xin ý kiến Sở TN&MT, 52 trường hợp tại xã Phú Túc và ở các địa phương khác sẽ được xử lý vào cuối năm 2018.

Ngăn chặn vi phạm từ khi mới phát sinh

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Minh Vũ Văn Hữu thừa nhận, do cán bộ các nhiệm kỳ trước không quyết liệt xử lý vi phạm ngay từ ban đầu nên các trường hợp mới có cơ hội xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện về việc giải tỏa công trình vi phạm, UBND thị trấn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Mặt khác, củng cố chặt chẽ hồ sơ pháp lý để tháo dỡ công trình theo quy định. Nhờ đó, địa phương đã xử lý dứt điểm được 12/14 công trình vi phạm theo Kết luận số 27-KL/UBKTTU của Ủy ban kiểm tra Thành ủy, còn 2 trường hợp sẽ xử lý trong thời gian tới” - ông Hữu cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, để xảy ra vi phạm, hàng loạt cán bộ đã phải nhận hình thức kỷ luật. Nguyên nhân do thiếu trách nhiệm, chưa sâu sát kiểm tra thực tế hàng ngày trong công tác quản lý đất đai, xây dựng. Mặt khác, giữa UBND các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn chưa phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra. Ông Sơn khẳng định: “Đến nay, UBND huyện đã thực hiện cơ bản các nội dung theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Qua đó, nhận thấy đây là bài học để mỗi cán bộ, tập thể các cơ quan, địa phương trên địa bàn phải rút kinh nghiệm. Mặt khác, thúc đẩy tích cực trong việc kiểm tra, phối hợp ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới phát sinh”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần