Phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris - cuộc khai quật khảo cổ đích thực

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà thờ Đức Bà ở Paris không phải là công trình tôn giáo lớn đầu tiên phải hứng chịu một trận hỏa hoạn tàn khốc, và có lẽ nó cũng sẽ không phải là nơi cuối cùng.

Thánh đường đổ nát nơi nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn đêm 15 - rạng sáng 16/4.
Một nhóm toàn cầu, bao gồm các chuyên gia và thợ thủ công sẽ được huy động cho quá trình lâu dài và phức tạp để khôi phục lại các điểm mốc giá trị của nhà thờ sau trận hỏa hoạn. Công trình sẽ gần như ngay lập tức đối mặt với loạt thách thức đáng kể đến từ yêu cấp thiết là bảo vệ bên trong nhà thờ 850 tuổi khỏi các yếu tố thiên nhiên sau khi mái nhà dầm gỗ của nó đã bị ngọn lửa phá hủy hoàn toàn.
Theo đó, ưu tiên hàng đầu là dựng một mái nhà tạm thời bằng kim loại hoặc nhựa để ngăn mưa vào, sau đó các kỹ sư và kiến ​​trúc sư sẽ bắt đầu đánh giá thiệt hại.
May mắn thay, Notre-Dame là một tòa nhà luôn được theo dõi kỹ lưỡng. Trong những năm qua, các nhà sử học và các nhà khảo cổ học đã thực hiện nhiều kế hoạch với hình ảnh đầy đủ, bao gồm cả những bản quét bằng laser 3D chi tiết nội thất của nhà thờ.
Duncan Wilson, giám đốc điều hành của tổ chức bảo tồn Lịch sử Anh, cho biết hôm 16/4 rằng nhà thờ sẽ cần được bảo vệ mà không làm xáo trộn các mảnh vỡ nằm rải rác bên trong - điều có thể cung cấp nhiều thông tin có giá trị đối với người phục chế.
"Thách thức thứ 2 chính là việc cứu vãn các vật liệu vốn có", ông Duncan nói. Một trong số đó có thể được tái sử dụng và đó là một nhiệm vụ khó - tương tự như một cuộc khai quật khảo cổ.
Mặc dù lo ngại ở độ cao của trận hỏa ngục có thể khiến toàn bộ nhà thờ biến mất, cấu trúc chung hiện vẫn còn nguyên vẹn. 2 tòa tháp hình chữ nhật vẫn sừng sững giữa bầu trời Paris, cho thấy ý nghĩa của việc một tòa nhà được xây dựng hướng tới sự tồn tại vĩnh cửu với khả năng chịu được những thử thách kinh khủng nhất.
Tom Nickson, một giảng viên cao cấp về nghệ thuật và kiến ​​trúc trung cổ tại Học viện Courtauld ở London, cho biết hầm đá nơi nhà thờ Đức Bà Paris đóng vai trò như một cánh cửa ngăn lửa giữa mái nhà rất dễ cháy với một không gian phía dưới cũng rất dễ cháy - đúng mục đích của chính người thợ xây thời trung cổ của công trình biểu tượng này.
Nhiệm vụ bây giờ là cần kiểm tra cẩn thận để xác định xem đá của trần nhà có bị suy yếu hay nứt gãy do nhiệt hay không. Nếu có, toàn bộ hầm này có thể cần phải được phá bỏ và dựng lại.
Cận cảnh một phần mái cháy rụi. 
Jenny Alexander, một chuyên gia về nghệ thuật và kiến ​​trúc trung cổ tại ĐH Warwick cho biết, cửa sổ hoa hồng bằng kính màu tinh xảo của nhà thờ Đức Bà có vẻ còn nguyên vẹn nhưng không loại trừ khả năg đang bị sốc nhiệt. Điều đó có nghĩa là kính, được đặt trong chì, có thể bị chảy xệ hoặc bị yếu đi và sẽ cần kiểm tra cẩn thận.
Công việc phục hồi có thể bắt đầu sau quá trình đánh giá thiệt hại và nó chắc chắn sẽ là một nỗ lực tầm cỡ quốc tế. Các kỹ sư cấu trúc, chuyên gia về kính màu hay chuyên gia về đá sẽ cần cùng có mặt tại Paris trong vài tuần tới.
Thêm vào đó, một quyết định lớn hiện nay là việc duy trì bảo tồn nhà thờ giống như trước khi xảy ra hỏa hoạn, hay hướng đến một cách tiếp cận sáng tạo hơn. Điều này không hề đơn giản bởi thực tế ngọn tháp của nhà thờ Đức Bà, bị phá hủy trong ngọn lửa hôm thứ 2, là một phần đã được thêm vào công trình phong cách gothic vào thời kỳ cải tạo thế kỷ 19. Vậy nên câu hỏi đặt ra rằng nó nên được phục dựng lại như cũ hay thay thế bằng một thiết kế mới cho thế kỷ 21? Cân nhắc tài chính, chính trị, cũng như tính thẩm mỹ có khả năng đóng một phần trong quyết định này.
Trong trường hợp mái nhà của nhà thờ Đức Bà Strasbourg, Pháp, từng bị đốt cháy trong Chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, thì phải mất đến 5 năm để khôi phục cấu trúc bằng gỗ đó. Ngày nay, mái nhà được chia thành 3 phần chống cháy để đảm bảo một ngọn lửa không thể phá hủy tất cả chúng, trong khi máy dò khói luôn được bật.
Tuy nhiên, theo giám đốc kỹ thuật tại nhà thờ Đức Bà Strasbourg, Salmon, những gì làm ở Strasbourg có thể không phù hợp với Paris bởi "mỗi nhà thờ là một kiến trúc duy nhất". "Chúng ta sẽ không sửa đổi một di tích lịch sử theo các quy tắc nhất định mà các quy tắc đó phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng tòa nhà", ông Salmon nhấn mạnh.
Các chuyên gia đồng ý rằng dự án bảo tồn nhà thờ Đức Bà Paris sẽ mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ, bên cạnh việc tiêu tốn rất nhiều tiền. Một cuộc kêu gọi của chính phủ Pháp đối với các quỹ tính đến nay đã thu về được hàng trăm triệu euro từ một số doanh nghiệp Pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần