Phúc thẩm “đại án” Hứa Thị Phấn: Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại tòa tất cả các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt và xem lại trách nhiệm dân sự mà bản án sơ thẩm đã tuyên đối với thân chủ của họ.

Ngày 26/10, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 11 bị cáo.
Cho rằng TrustBank giải ngân khống… nhưng không phản đối!
Tất cả các luật sư bào chữa cho bị cáo đều mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của họ và xem lại trách nhiệm dân sự. Bào chữa cho bị cáo Ngô Thị Ngân (SN 1965, nguyên thủ quỹ chính TrustBank chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, án sơ thẩm xử 10 năm tù), luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) đưa ra hàng loạt mâu thuẫn chưa được làm rõ tại các khoản vay của Công ty CP Đầu tư Phương Trang (nhóm Phương Trang) để từ đó chứng minh trách nhiệm của nhóm Phương Trang và trách nhiệm dân sự của bị cáo Ngân đối với 208 tỷ đồng mà bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải trả cho CBBank.
Các bị cáo tại tòa
Theo luật sư Tuấn Anh, hồ sơ nhóm Phương Trang vay tiền, nhận tiền vay rất đầy đủ, đã được các luật sư chứng minh và phía Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) xác nhận, trong đó có khoản tiền bị cáo Ngân rút từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để giao cho nhóm Phương Trang 4.554,2 tỷ đồng.
“Vấn đề đặt ra tại sao chứng từ vay đầy đủ nhưng kết luận điều tra (KLĐT), cáo trạng và bản án sơ thẩm vẫn không thừa nhận, mà tin vào 2 lý do nhóm Phương Trang khai báo: Cho rằng bà Phấn lợi dụng nhóm Phương Trang có nhiều bất động sản (BĐS), có nhu cầu vay vốn nên ép nhóm này ký trước chứng từ và hồ sơ vay; Cho rằng bà Phấn lợi dụng nhóm Phương Trang đã ký trước chứng từ rồi TrustBank giải ngân khống, âm thầm đẩy dư nợ cho nhóm Phương Trang mà nhóm này lại không biết các khoản nợ này! Tôi có cơ sở chứng minh lời khai của nhóm Phương Trang là gian dối, các chứng từ chứng từ đều được ký theo thời gian thực, không có việc ký trước và cũng không thể ký trước”, luật sư Tuấn Anh khẳng định.
Để chứng minh, luật sư Tuấn Anh đưa ra hàng loạt công ty thuộc nhóm Phương Trang sau khi vay đã “thay tên, đổi họ” người đại diện theo pháp luật cũng như thay tên công ty nhưng những người đại diện sau đó vẫn ký văn bản xác nhận đã nhận đủ tiền vay từ TrustBank. Đối với vấn đề TrustBank giải ngân khống và đẩy dư nợ cho nhóm Phương Trang, luật sư cũng nêu ra hàng loạt công ty nhóm Phương Trang sau khi vay, trong bảng cân đối kế toán cuối năm của các công ty vay vẫn thể hiện có vay tiền TrustBank.
“Nếu nhóm Phương Trang cho rằng bị TrustBank giải ngân khống từ năm 2010, thì tại sao không phản đối và không đưa vào hồ sơ tài chính? Biết bị giải ngân khống nhưng vẫn vào sổ sách kê khai thuế để được khấu trừ chi phí vay thì có dấu hiệu trốn thuế hay không?”, luật sư Tuấn Anh lập luận.
Cả gia đình ở nhà thuê, lấy tiền đâu trả?
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, phương pháp “truy ngược dòng tiền” mà Cơ quan CSĐT sử dụng là không khách quan, không phù hợp thực tiễn, thiếu căn cứ khoa học. Vì Cơ quan CSĐT chỉ “truy ngược dòng tiền” của TrustBank mà không xác minh dòng tiền của nhóm Phương Trang xem họ có thực nhận hay không. Hơn nữa, vay của TrustBank là hàng chục cá nhân, pháp nhân khác nhau nhưng Cơ quan CSĐT không truy xuất xác định từng khoản vay của từng chủ thể, từng hợp đồng mà “gộp chung” tất cả thành một chủ thể nhóm Phương Trang là không có căn cứ pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định sự thật khách quan vụ án.
“Đối với cáo buộc bị cáo Ngân chịu trách nhiệm về số tiền trên 208 tỷ đồng trong tổng số 4.554,2 tỷ đồng rút từ NHNN cũng không có căn cứ. Vì trong toàn bộ hồ sơ vụ án, không có hồ sơ, tài liệu nào thể hiện số tiền trên 3.936 tỷ đồng mà nhóm Phương Trang cho rằng thực nhận và số tiền trên 208 tỷ đồng được lấy từ đâu, dựa trên kết quả điều tra nào. Hồ sơ vụ án không thể hiện số tiền trên 3.936 tỷ, có phải từ nguồn gốc 4.554,2 tỷ đồng bị cáo Ngân nhận từ NHNN hay không? Theo kết quả điều tra dư nợ của nhóm Phương Trang là 9.402 tỷ đồng, đem trừ 5.256 tỷ được xác định TrustBank giải ngân khống thì phải còn trên 4.145 tỷ đồng. Tuy nhiên KLĐT và cáo trạng chỉ buộc nhóm Phương Trang chịu trên 3.936 tỷ đồng theo khai báo của nhóm này là phi lý. Vì thiếu mất trên 208 tỷ đồng đã cáo buộc bị cáo Ngân chịu trách nhiệm, trong khi hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào thể hiện có sự tồn tại của con số 208 tỷ đồng nêu trên”, luật sư Phạm Tuấn Anh nói.
Từ những phân tích nêu trên, luật sư Tuấn Anh đề nghị HĐXX và đại diện Viện KSND xem xét lại trách nhiệm dân sự, đánh giá vị trí, vai trò của bị cáo Ngân, từ đó giảm nhẹ mức án. Khi được HĐXX gọi hỏi, bị cáo Ngân đồng ý với bào chữa của luật sư, đồng thời tái khẳng định không hưởng lợi gì trong số tiền 208 tỷ đồng. “Việc quy kết cho bị cáo phải trả thì tiền đâu bị cáo trả? Trong khi từ năm 2010, cả 8 người trong gia đình bị cáo đều ở nhà thuê”, bị cáo Ngân nói trong nước mắt.