Phúc thẩm vụ DABank: Vì sao Viện KSND đề nghị điều tra, truy tố ông Phạm Văn Tân?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên quan vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) đang được TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm. Ngoài việc đề nghị HĐXX tiếp tục yêu cầu Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ 8 kiến nghị của án sơ thẩm, đại diện Viện KSND Cấp cao còn đề nghị điều tra, truy tố ông Phạm Văn Tân.

Giúp sức cho Trần Phương Bình chiếm đoạt trên 221 tỷ
Vây ông Phạm Văn Tân có vai trò gì, có những hành vi nào dẫn đến bị đề nghị điều tra, truy tố? Theo đai diện Viện KSND, ông Tân là trợ lý của bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc DABank, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DABank). Từ năm 2007 – 2012, ông Tân đã có nhiều hành vi giúp sức cho Trần Phương Bình trong việc tham gia ký nhiều chứng từ vay khống, thu khống, đứng tên trên nhiều tài khoản, trên cổ phiếu của DABank giúp bị cáo Bình chiếm đoạt hơn 221 tỷ đồng.
 Phiên tòa phúc thẩm xử vụ DABank
Cụ thể trong đợt tăng vốn điều lệ của DABank vào năm 2007 (từ 880 tỷ - 1.400 tỷ - 1.600 tỷ), từ ngày 30/5/2007 đến ngày 25/12/2007, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh lập 8 bảng kê kiêm phiếu thu trên 374 tỷ đứng tên người thân trong gia đình để mua trên 5,3 triệu cổ phần (CP) của DABank nhưng không nộp tiền. Những người đứng tên trên số CP này gồm: ông Cao Ngọc Liên (bố vợ Trần Phương Bình) nộp khống trên 31 tỷ mua 523.000 CP, bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ) nộp khống 12 tỷ đồng mua 200.000 CP, hai con gái là Trần Phương Ngọc Thảo nộp khống 77,9 tỷ mua 1.298.600 CP, Trần Phương Ngọc Giao nộp khống trên 64 tỷ mua 1.072.600 CP. Trong vụ này ông Tân nộp khống trên 94 tỷ đồng để mua 723.200 CP.
Đến năm 2010, trong đợt tăng vốn DABank từ 3.400 tỷ lên 4.500 tỷ, Trần Phương Bình nhờ ông Tân đứng tên vay 100 tỷ đồng tại DABank để mua 16 triệu CP của DABank. Và vào năm 2011, nhằm góp vốn vào Công ty TNHH xây dựng và phát triển đô thị Thái An, ngày 11/1/2011, Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Vân (đã được trả tự do tại phiên tòa sơ thẩm - PV) cho ông Tân vay 85 tỷ đồng. Bà Vân chỉ đạo Nguyễn Tấn Thành (Phó giám đốc DABank chi nhánh quận 3) lập hợp đồng cho Tân vay. Trong cùng ngày, tài khoản (TK) của ông Tân nhận được 85 tỷ và rút ra chuyển ngay cho bị cáo Nguyễn Văn Thuận, 4 tỷ còn lại ông Tân chuyển vào TK ông Cao Ngọc Liên.
Đứng tên giúp Trần Phương Bình 602.071 CP đang bị kê biên
Sau đó vào ngày 29/3/2012, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Văn Thuận, Trần Thế Hùng lập chứng từ thu khống của ông Tân 13 tỷ đồng để trả nợ gốc khoản vay 100 tỷ đồng của năm 2010. Đến ngày 30/3/2012, Bình tiếp tục chỉ đạo Thuận và Hùng tiếp tục lập chứng từ thu khống 33,5 tỷ của ông Tân, rồi trừ 29 tỷ đồng trả cho món nợ gốc 100 tỷ nêu trên.
Bị cáo Trần Phương Bình
Tiếp đến, trong đợt tăng vốn điều lệ DABank từ 4.500 tỷ lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2012. Trần Phương Bình chỉ đạo Thuận – Hùng lập chứng từ thu khống 50 tỷ đứng tên Đỗ Thế Hùng rồi chuyển vào TK thẻ của ông Tân vào ngày 23/4/2012. Cùng ngày, Tân chuyển 50 tỷ vào TK của DABank để mua 5 triệu CP đứng tên mình (đứng tên giúp bị cáo Bình). Một ngày sau, Bình chỉ đạo Tân chuyển 5 triệu CP vừa mua cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975) để lấy 50 tỷ đồng tiêu xài cá nhân.
Sau khi DABank không tăng vốn điều lệ được vào năm 2014, Bình chỉ đạo chuyển trả 600 tỷ cùng hơn 9 tỷ đồng tiền lãi cho công ty của Phan Văn Anh Vũ. Vũ  “nhôm” đã dùng 500 tỷ mua lại 50 triệu CP của những người đứng tên giúp Bình và ngày 8/9/2014, Phạm Văn Tân bán 5 triệu CP đứng tên giúp Bình cho Vũ “nhôm” với giá 50 tỷ.
Ngoài ra, tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh, còn thể hiện trong số gần 55 triệu CP DABank do bị cáo Trần Phương Bình dùng tiền chiếm đoạt của DABank để mua đang bị kê biên, trong đó Phạm Văn Tân đứng tên giúp 602.071 CP.
Đã từng bị đề nghị điều tra… nhưng thoát!
Liên quan đến vụ án, trước đó trong quá trình điều tra và điều tra bổ sung (ĐTBS), Viện KSND Tối cao đã yêu cầu Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an khởi tố bị can đối với 3 người nguyên là cán bộ DABank, trong đó có ông Phạm Văn Tân theo tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những ai từng bị điều tra cùng ông Tân?
Trong quá trình ĐTBS, C44 Bộ Công an cũng xác định bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (nguyên Chánh Văn phòng HĐQT DABank) và bà Từ Thị Mỹ Linh (nguyên Trưởng phòng giao dịch Hàm Nghi - DABank chi nhánh quận 1) cũng có hành vi cùng với ông Tân giúp sức cho Trần Phương Bình chiếm đoạt tổng cộng trên 1.160 tỷ đồng trong việc mua trên 74 triệu CP DABank và giúp sức cho Nguyễn Thị Kim Xuyến chiếm đoạt 40 tỷ của DABank trong việc cho Cao Ngọc Huy vay 270 tỷ đồng. Tuy nhiên cáo trạng của Viện KSND Tối cao cũng nhận định cũng như ông Tân, do chuyển biến tình hình theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017. 
Sau khi ĐTBS, C44 Bộ Công an xác định đối với yêu cầu khởi tố bị can Phạm Văn Tân…, về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” về hành vi giúp sức cho Trần Phương Bình chiếm đoạt tiền DABank từ năm 2007 – 2014 để mua CP DABank. Căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, C44 nhận thấy đối với Phạm Văn Tân có hai hành vi: Đại diện Công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc ký chứng từ nộp trên 24,8 tỷ đồng để Trần Phương Bình mua cổ phần DABank đứng tên Công ty CP Sơn Trà Điện Ngọc, Bình chịu trách nhiệm về nguồn tiền. Hành vi kế tiếp là ký hồ sơ vay 2 khoản (khoản 100 tỷ đồng và khoản 85 tỷ đồng) tại DABank chi nhánh Lê Văn Sỹ để Bình sử dụng cá nhân. Sau đó Tân ký chứng từ nộp khống 33,5 tỷ đồng để trả nợ gốc cho 2 khoản vay của Tân, trong đó trả 29 tỷ đồng cho khoản vay 100 tỷ và 4,5 tỷ đồng cho khoản vay 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến ngày 12/10/2018, tại cáo trạng số 123/CTr–VKSTC-V3 của Viện KSND Tối cao, xác định do tin tưởng Trần Phương Bình nên Tân không biết mình đã ký chứng từ nộp khống số tiền nêu trên, không biết Bình đã lợi dụng hành vi nêu trên để chiếm đoạt tiền của DABank. Tân không được bàn bạc, không được hưởng lợi vật chất từ việc làm nêu trên. Hành vi của Tân phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự (BLHS) 1999. Tuy nhiên do chuyển biến của tình hình theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc “Thi hành BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017”, nên không xử lý đối với hành vi nêu trên của Phạm Văn Tân về tội “Cố ý làm trái…”. Hành vi nêu trên của Phạm Văn Tân cũng không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015!