Phúc Thọ phát triển nông nghiệp hàng hóa: Ưu tiên sản phẩm chủ lực

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân, vùng quê Phúc Thọ như bừng lên sức sống mới với sắc màu rực rỡ của những vườn hoa ly, hoa huệ, hoa cúc; màu xanh mơn mởn của những ruộng rau, vườn bưởi…

Xã Vân Hà, Phúc Thọ phát triển trồng bưởi Diễn. Ảnh: Phương Nga
Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực
Với mục tiêu đưa Phúc Thọ trở thành huyện nông nghiệp xanh trù phú, nâng cao giá trị canh tác cho người dân, thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá. Trong đó, huyện tập trung ưu tiên các sản phẩm chủ lực, gắn với nhu cầu thị trường, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là phát triển nền nông nghiệp an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm thay đổi tư duy của người dân và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trên cơ sở xác định các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng, huyện Phúc Thọ đã hỗ trợ các đơn vị chủ thể hoàn thiện hồ sơ, đăng ký các sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, để phát triển nông nghiệp, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư các dự án phát triển sản xuất, cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, có hiệu quả kinh tế cao như rau an toàn, hoa, chăn nuôi bò thịt, thịt lợn an toàn…

Mặt khác, huyện tích cực mời gọi DN như Công ty CP Ba Huân, An Việt, Biggreen… đầu tư vào nông nghiệp, tạo kết nối giữa người dân và DN, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn và có nguồn gốc xuất xứ. Đến nay, Phúc Thọ đã hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho nông dân.

Nông nghiệp nhiều đột phá

Đến nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã có nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, như: Vùng rau an toàn Thanh Đa (50ha); vùng hoa, cây cảnh 150ha (chủ yếu ở Tích Giang, Tam Thuấn); vùng bưởi 337ha… giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng /năm. Cơ cấu cây trồng ngành nông nghiệp của Phúc Thọ đang dần chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích các vùng sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng rau, hoa và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, huyện Phúc Thọ cũng đã xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực và từng bước hình thành chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn.

Chuyên trồng các loại hoa chậu, hoa treo tường như đồng tiền, dạ yến thảo, xác pháo, sống đời, hồng thế... và một số loại hoa theo mùa nên ông Hoàng Văn Trào, thôn Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ có thể gối vụ sản xuất quanh năm, thu nhập ổn định. “Nhờ có nghề trồng hoa, cây cảnh, mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 2 tỷ đồng” – ông Trào chia sẻ.

Được biết, để đạt chuẩn xã nông thôn mới, Tích Giang đã mở rộng phát triển nghề truyền thống hoa, cây cảnh của địa phương lên 27ha, thay thế những diện tích cấy lúa kém hiệu quả. Hiệu quả kinh tế các mô hình trang trại mang lại đạt trung bình từ 600 – 800 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những mô hình trên 2 tỷ đồng/ha/năm. “Với chủ trương ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực nên dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thu nhập bình quân của người dân trong xã vẫn đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,67% (18 hộ)” – Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung cho hay.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện vẫn đạt trên 4,2%. Trong năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, song Phúc Thọ phấn đấu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế với động lực chính là ngành nông nghiệp và xây dựng kịch bản chi tiết để thúc đẩy phát triển các ngành nghề.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn