Phúc Thọ tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Phúc Thọ đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông hộ, hợp tác xã (HTX), DN tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

 Sản phẩm bưởi Vân Hà đăng ký dự thi Chương trình OCOP năm 2020. Ảnh: Ánh Ngọc
Nhiều sản phẩm chủ lực chất lượng cao
Xã Tam Thuấn là vùng chuyên canh trồng hoa của huyện Phúc Thọ, nơi đây có giống hoa huệ đặc trưng cho thu hoạch quanh năm với giá trị kinh tế cao gấp 20 lần so với trồng lúa. Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Tam Thuấn Nguyễn Văn Mạnh cho biết, hiện toàn xã có 40ha trồng hoa huệ, dự kiến tiếp tục mở rộng thêm 30ha trong thời gian tới. Xã đã hoàn thiện các thủ tục dự thi và trình Hội đồng thẩm định TP đánh giá, công nhận sản phẩm hoa huệ đạt OCOP năm 2020. Đây là cơ hội để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm thúc đẩy tiêu thụ và phát triển bền vững sản phẩm chủ lực của địa phương.

Với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Công ty Ba Huân đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao huyện Phúc Thọ. Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội Phạm Thanh Hùng chia sẻ, để chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng, năm 2019, Công ty đã đăng ký 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm: Trứng gà, trứng gà ta, trứng gà ác, trứng cút và trứng vịt. Qua đánh giá, phân hạng của Hội đồng thẩm định TP, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để công ty mở rộng thị trường, ký kết hợp tác tiêu thụ với các công ty chế biến thực phẩm, trường học và bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Phúc Thọ, hiện trên địa bàn huyện đã xây dựng đươc nhiều sản phẩm chủ lực trên cơ sở quy hoạch phát triển vùng chuyển đổi tập trung. Đáng chú ý, hầu hết các sản phẩm chủ lực đều được cấp nhãn hiệu tập thể, đáp ứng thị hiếu và đươc người tiêu dùng đánh giá cao như bưởi Vân Hà, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, thịt lợn rừng Cẩm Đình, thịt lợn sinh học Thọ Lộc…

Tiếp tục hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, để đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, huyện đã hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, minh chứng đầy đủ nguồn gốc xuất xứ; hợp đồng bao tiêu sản phẩm; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất… theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Chương trình OCOP TP. Đặc biệt, việc xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm đều gắn kết được lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng thương hiệu và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất.

Nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, huyện chú trọng giám sát chất lượng thông qua việc gắn tem truy xuất QR code cho các sản phẩm của các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh. “Đây là cơ sở để phân loại cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hình thành kênh phân phối, liên kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi hàng hóa. Từ đó từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, mang bản sắc riêng của huyện Phúc Thọ” – ông Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.

Hiện nay, huyện Phúc Thọ đang xây dựng Đề án tổng thể phát triển Chương trình OCOP địa phương. Trong đó có cơ chế khuyến khích các DN, HTX đăng ký sản phẩm tham gia dự thi. Đề án đươc kỳ vọng tạo cú hích cho các sản phẩm OCOP của Phúc Thọ chinh phục và tiếp cận được kênh phân phối hiện đại là các siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng sản nông sản an toàn trên địa bàn TP.

Năm 2019, huyện Phúc Thọ có 8 sản phẩm được Hội đồng thẩm định Chương trình OCOP TP Hà Nội đánh giá, phân hạng, gồm: 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao của Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội; 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: Chuối của HTX Nông nghiệp Vân Nam; thịt lợn sạch của HTX Nông nghiệp Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ; thịt lợn rừng của hộ ông Ngô Xuân Cường (xã Cẩm Đình). Năm 2020, Phúc Thọ đã có hơn 20 sản phẩm đăng ký dự thi, trình Hội đồng TP đánh giá, phân hạng.