Phương Canh nhớ lời Bác dạy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng tôi đến phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) một ngày đầu tháng 5. Đầu hè, nắng chói chang, nhưng đâu đâu cũng cảm nhận được niềm vui, phấn khởi của người dân.

Bởi Phương Canh đang rộn ràng chuẩn bị Đại hội Đảng bộ phường lần thứ nhất sau khi chia tách từ xã Xuân Phương, và hơn cả là kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm.

Theo con đường bê tông phẳng lỳ chạy đến tận cổng nhà, chúng tôi tìm gặp bà Đinh Thị Chi - một trong những nhân chứng hiếm hoi còn lại của cuộc gặp lịch sử ngày ấy. Năm nay đã 83 tuổi, bà Chi vẫn còn khỏe, minh mẫn lắm. Chẳng thế mà ngay khi chúng tôi hỏi về lần được gặp Bác Hồ về thăm đồng, nói chuyện với các xã viên Hợp tác xã (HTX) Phương Đông, bà còn nhớ từng chi tiết nhỏ và kể bằng giọng đầy bồi hồi, xúc động.

Bà Chi nhớ lại: “Đó là ngày 14/5/1965, đang bắt đầu thời kỳ gặt lúa chiêm, các HTX tập trung lao động để thu hoạch những đám ruộng trũng tránh mưa to bị ngập. Hôm ấy trời nắng từ sớm, nóng lắm. Tôi cùng đội sản xuất đang gặt ở ruộng trên thì nghe tiếng vỗ tay hoan hô, hò reo của mọi người: “Bác Hồ, Bác Hồ về”. Thế là mấy chị em bên này vứt vội chiếc liềm, quần vẫn xắn móng lợn, ùa nhau chạy đến. Thật xúc động khi nhìn thấy Bác, đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu như là một tiên ông. Người đã bỏ dép, xắn quần, lội ruộng nước đến tận nơi bà con đang cày cấy, để thăm hỏi, nói chuyện với mọi người – hình ảnh ấy thật dung dị, dân dã, chứa chan tình cảm. Thấy bà Hồng có đùm cua đang bắt dở bọc ở chân, Bác vui vẻ tặng ngay hai câu thơ: “Đi làm con ốc con cua. Chẳng ngon ăn vậy khỏi mua mất tiền”. Nói đến đây, bà Chi xúc động lắm, bà không ngờ một lãnh tụ có thể quan tâm từng ly từng tý đến đời sống người dân như thế.

Sau khi thăm đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn về sân kho HTX, thăm nơi để thóc giống. Bà Chi cười, chỉ anh con trai cả Nguyễn Hồng Vân kể: “Khi ấy, biết Bác về sân kho, tôi vội chạy về nhà khua con dậy, bế thằng cháu này lúc đó mới 5 tuổi chạy ra đón. Thế mà nó vẫn ngủ tít, chẳng biết gì cả, rồi sau này lại cứ tiếc vì chưa được nhìn thấy Bác Hồ”. Ngừng lại một lúc, bà kể tiếp: Sau khi động viên cán bộ, xã viên, Bác còn khuyên: Không được chủ quan, tự mãn mà phải cố gắng nhiều hơn nữa. Phải đào thêm mương máng, làm tốt bờ vùng, bờ thửa để giữ nước; chú ý cải tạo đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Người còn nhắc cụ thể đồng chí Chủ nhiệm HTX lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thế Trạch rằng, HTX phải đi sát các đội sản xuất, hướng dẫn bà con làm tốt mọi việc, động viên kịp thời, chú ý lắng nghe ý kiến của xã viên, rút kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất. Bác nhấn mạnh, Chi ủy cùng với Ban quản trị phải luôn bàn bạc, tạo điều kiện giúp đỡ xã viên yên tâm sản xuất, gắn bó với HTX. Đối với cán bộ lãnh đạo địa phương, Người nhắc nhở triệt để tiết kiệm để đóng góp vào xây dựng đất nước, nuôi quân đánh giặc 9và nâng cao đời sống Nhân dân.

Sự quan tâm và những lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vinh dự lớn lao của Đảng bộ, Nhân dân Xuân Phương. Ngay sau khi Bác về thăm, một khí thế thi đua lao động sản xuất đã bùng lên sôi nổi, nhất là trên mặt trận thủy lợi. Xã đã tập trung đào mương, đào hồ lấy nước cấy lúa. Trong thời kỳ này, xã còn đóng góp hàng chục ngàn ngày công xây dựng hệ thống trung thủy nông nối với sông Nhuệ; đồng thời xây dựng trạm bơm đảm bảo tưới tiêu cho đồng Hòe Thị, nâng cao khả năng canh tác.

Đối với phường Phương Canh hiện nay, những lời dạy của Bác năm xưa vẫn là kim chỉ nam trong xây dựng địa phương ngày càng văn minh, hiện đại. Mặc dù mới được chia tách, nhưng phường đã nhanh chóng ổn định bộ máy, sớm đi vào hoạt động hiệu quả. Thu ngân sách hàng năm xấp xỉ đạt 60 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đều được nâng lên rõ rệt. Đây là những tiền đề quan trọng để phường Phương Canh hướng tới nhiệm kỳ 2015 – 2020 với nhiều thành công hơn, xứng đáng với sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần