Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phương thức đầu tư PPP là hết sức cần thiết

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Việc thu hút các nguồn lực từ xã hội để đầu tư và cung cấp các sản phẩm dịch vụ công của nhà nước, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước .
“Thực tế trong gần 30 năm qua chúng ta cũng đạt được những kết quả nhất định, nhất là đã thu hút được một lượng vốn đầu tư đáng kể từ xã hội để đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng, góp phần cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, các vùng miền và toàn bộ nền kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, kết quả này như chúng ta cũng biết đang còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Tức là nguồn lực đang còn rất lớn mà chúng ta chưa huy động hết được, chưa tận dụng hết được cho phát triển. Trong triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập, như nhiều đại biểu đã nêu, nên việc thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật đối với phương thức đầu tư PPP là hết sức cần thiết và có một ý nghĩa hết sức quan trọng để huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đây cũng xác định là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ý nghĩa ở nước ta.” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
 Toàn cảnh phiên họp
Xác định đây là một dự án luật mới, khó, phức tạp, phạm vi áp dụng và đối tượng liên quan rất rộng, đòi hỏi phải có một thể chế hết sức đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, hấp dẫn, minh bạch và phải đảm bảo hài hòa được giữa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân và phải đảm bảo tính ổn định xuyên suốt và thống nhất trong suốt vòng đời của dự án. Trong khi quốc tế mỗi nước có một cách áp dụng khác nhau, gồm các quy định khác nhau.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Hiện nay một số đại biểu đang hiểu theo hướng đây là một dự án đầu tư công nên cần phải quản lý chặt chẽ như Luật Đầu tư công. Việc này chúng tôi cũng xin báo cáo, nếu là dự án Luật Đầu tư công thì chúng ta đã thực hiện theo Luật Đầu tư công, nếu là đầu tư tư, chúng ta đã thực hiện theo Luật Đầu tư. Ở đây dự án PPP có một đặc thù, đặc điểm rất khác biệt, đó là kết hợp công tư nên chưa có quy định ở đâu và đây là một quy định riêng của một luật, xây dựng một pháp luật riêng cho hình thức đầu tư này, nên chúng ta không áp dụng theo hẳn đầu tư tư và cũng không theo hẳn đầu tư công, nó có tính khác biệt và đặc điểm như vậy, tôi xin báo cáo Quốc hội rõ như vậy.”
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình soạn thảo thì cơ quan soạn thảo đã tiến hành nghiên cứu rất công phu và kỹ lưỡng, căn cứ vào triển khai trong thực tiễn vừa qua và chọn, chắt lọc những kinh nghiệm tốt của quốc tế. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những việc đang còn ý kiến khác nhau và khi xây dựng luật còn nhiều điểm chưa được chặt chẽ hoặc chưa được thuyết phục.
Thứ nhất, phân biệt giữa PPP và xã hội hóa. Đặc điểm chung của hai hình thức này đều là huy động nguồn lực đầu tư tư để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công. Điểm riêng khác biệt giữa hai loại này là PPP là một phương thức đầu tư theo một dự án cụ thể qua một hình thức hợp đồng và có một quy định về trình tự, thủ tục rất chặt chẽ. Còn xã hội hóa là một chủ trương chung để khuyến khích thu hút đầu tư nguồn lực từ xã hội. Những quy định về xã hội hóa chính sách này cũng cần phải được tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới đây và không chỉ dừng ở một chủ trương mà phải có các chính sách cụ thể.
Tuy nhiên, cũng không đưa vào luật điều chỉnh lần này tại luật này. Chính phủ đề xuất là các dự án có quy mô lớn sẽ thực hiện theo hình thức PPP, những dự án có quy mô nhỏ, đơn giản thì chúng ta một là thực hiện bằng ngân sách nhà nước, hai là thực hiện theo phương thức đầu tư của tư nhân theo Luật Đầu tư. Còn việc thực hiện các dự án PPP do tính chất dự án, do thời gian chuẩn bị, do chi phí rất phức tạp, rất lớn và có sự tham gia vốn của nhà nước nên cần phải tập trung trọng tâm, trọng điểm cho một số lĩnh vực, cho một số công trình thiết yếu, quan trọng và cần phải có sự tham gia của tư nhân, chúng ta không mở rộng một cách tràn lan, không tập trung được.
Thứ hai là mối quan hệ của Luật PPP này với các luật khác. Như một số đại biểu đã nêu, cơ quan soạn thảo cũng đã nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Để giảm thiểu tối đa các rủi ro chính sách cũng như tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận quy định ưu tiên áp dụng các quy định đặc thù về PPP theo luật này. Đây là một quyết định có tính nguyên tắc hết sức quan trọng của luật này, nếu chúng ta lại áp dụng các luật khác thì các nhà đầu tư sẽ rất rất khó áp dụng, rất khó kiểm soát và tạo ra sự không yên tâm của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục rà soát kỹ nội dung các dự thảo của các luật liên quan như nhiều đại biểu đã nêu, để tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn.
Về việc giao Chính phủ hướng dẫn luật. Dự thảo quy định Chính phủ hướng dẫn 14 điều. Theo chúng tôi đây là một mức độ trung bình có thể chấp nhận được. Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các nội dung có thể luật hóa được và chỉ giao cho Chính phủ hướng dẫn những quy định có tính kỹ thuật hoặc để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành để đảm bảo ổn định và bền vững của bộ luật.
Thứ tư là việc thu hẹp các lĩnh vực PPP. Vấn đề này cũng nhiều ý kiến các đại biểu nêu. Qua tổng kết thực tiễn thì một số lĩnh vực chúng ta không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư hoặc triển khai nhưng không hiệu quả. Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, các lĩnh vực đấy rất khó và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông trong thời gian vừa qua, đấy là lĩnh vực mà có khả năng có nguồn thu, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư nên được các đầu tư nước ngoài quan tâm hơn. Với các lĩnh vực còn lại, thực sự sẽ khó để có thể thu được phí dịch vụ từ người dân. Như vậy, việc tạo nguồn thu là rất khó khăn.
Tại thảo luận tổ ngày 11/11 vừa qua, có ba quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất đồng ý với dự thảo cần có hạn chế và giao Chính phủ xem xét quyết định bổ sung những lĩnh vực cần thiết. Quan điểm thứ hai đồng ý hạn chế nhưng không giao cho Chính phủ quyết định bổ sung các lĩnh vực. Quan điểm thứ ba là mở rộng không hạn chế. Đây là ba quan điểm khác nhau, chúng tôi xin phép được tiếp tục cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu làm rõ theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và không tràn lan, đảm bảo tính hiệu quả và tính khả thi của các dự án.
Thứ năm về hạn mức, quy mô vốn đầu tư cũng được các đại biểu hết sức quan tâm về mức tối thiểu 200 tỷ.
Dự án PPP có thời hạn hoạt động dài, phức tạp nên việc chuẩn bị các dự án cần phải kỹ lưỡng và để đảm bảo tính khả thi cùng tính hiệu quả, thời gian chuẩn bị sẽ kéo dài và chi phí chuẩn bị cao. Chính vì vậy cần phải tập trung, tránh dàn trải.
Về quy mô tối thiểu dự kiến là 200 tỷ cũng đã được xác định trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong thời gian vừa qua. Các dự án đã được chúng ta kêu gọi thành công đều nằm trong khoảng từ đó trở lên. Hơn nưa, mức quy định như thế này cũng phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Các nước hiện nay cũng áp dụng chủ yếu mức từ 50 triệu USD trở lên. Có một số nước cũng quy định thấp hơn nhưng cũng không thấp hơn mức 200 tỷ. Như vậy, liên quan đến mức 200 tỷ, chúng tôi cho rằng là tương đối phù hợp. Với những trường hợp dự án có quy mô nhỏ, thấp hơn nữa, chúng ta phải sử dụng bằng ngân sách nhà nước hoặc thu hút nguồn vốn xã hội hóa và đầu tư tư nhân theo Luật Đầu tư như tôi đã báo cáo. PPP sẽ tập trung nguồn lực để phục vụ cho một số dự án hạ tầng lớn.
Trong quá trình thảo luận tổ hiện nay, có ba nhóm quan điểm. Thứ nhất là đồng ý với cả hạn mức như Tờ trình của Chính phủ. Thứ hai là giao cho Chính phủ quy định hạn mức. Quan điểm thứ ba là hạ hạn mức hoặc không quy định hạn mức. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục cùng với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để xem xét việc có nên quy định hạn mức không? Quy định mức bao nhiêu là hợp lý để đảm bảo sức thuyết phục hơn, tạo cơ sở vững chắc hơn.
Thứ sáu, liên quan đến việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án PPP là một dự án khó, phức tạp như tôi đã báo cáo, yêu cầu đáp ứng được các cam kết của nhà nước, cấp quyết định ký hợp đồng phải là cấp có thẩm quyền. Kinh nghiệm của các nước cho thấy cần quy định tập trung, không làm tràn lan và phân cấp rộng.
Liên quan đến ý kiến về tên gọi chấp thuận chủ trương đầu tư hay phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo với Quốc hội, những dự án do nhà đầu tư đề xuất đầu tư sẽ được gọi là chấp thuận. Còn những dự án PPP do tính chất thuộc nhà nước nên do nhà nước quyết định và nhà nước phải phê duyệt. Như vậy, việc sử dụng các thuật ngữ có sự khác nhau và có lý lẽ riêng như vậy, tại các địa phương việc sử dụng các nguồn lực công của địa phương như đất đai, tài nguyên, vốn ngân sách nhà nước hay mức giá, mức phí, dịch vụ... đều do Hội đồng nhân dân quyết định và thông qua. Do vậy, những dự án này đã sử dụng những tài sản công hay những nguồn lực công thì các yếu tố kia đã được Hội đồng nhân dân thông qua thì việc xem xét, chấp thuận dự án nên ủy quyền lại cho Ủy ban nhân dân sẽ linh hoạt và không cần phải đưa lên đến Hội đồng nhân dân.
Thứ bảy, việc phân tách phần công và phần tư trong dự án PPP. Nên tách các hạng mục đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và vốn tư nhân để áp dụng các thủ tục đầu tư khác nhau. Nếu tách hẳn ra như vậy thì chúng ta phải thực hiện thủ tục gấp 2 lần, thời gian sẽ kéo dài hơn và rất phức tạp. Nhà nước quản lý chặt chẽ phần đầu tư công trong dự án PPP là hoàn toàn đúng đắn như các đại biểu đã nêu, nhưng phải trên cơ sở đầu ra của hợp đồng và chất lượng của dịch vụ công mà các nhà đầu tư cung cấp.
Phần vốn nhà nước hỗ trợ cho các môi trường kinh doanh theo hướng 2 hướng. Phần đầu tư của nhà nước thì tập trung cho chuẩn bị đầu tư hay giải phóng mặt bằng, nếu tách thành một dự án riêng để kiểm toán và kiểm soát riêng chặt chẽ. Nếu hòa trong đầu tư chung cũng phải nằm ở một gói thầu cụ thể để tiện kiểm soát và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Về việc các dự án BT, trong quá trình xây dựng dự thảo luật chúng tôi cũng thấy hình thức BT vừa qua cũng bị biến tướng, nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến các địa phương khó khăn hiện nay không có một nguồn lực nào khác ngoài đất đai có thể tham gia để có được các công trình của mình. Do vậy, Chính phủ xin kiến nghị cho phép giữ hình thức BT này, nhưng cần phải quy định chặt chẽ, đồng bộ để đảm bảo không thất thoát, lãng phí.
Về chia sẻ rủi ro, "đây là một vấn đề rất lớn vừa làm mới, vừa là khó nhưng được đa số các đại biểu đánh giá cao và nhiều sự đồng thuận. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cơ chế nhằm chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư các dự án công chúng ta phải xác định đây thuộc trách nhiệm nhà nước, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho nhà nước, nên phải có cơ chế chia sẻ rủi ro này với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư mới yên tâm để tham gia đầu tư với chúng ta." - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Đây không phải cơ chế bảo lãnh, đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh. Mục tiêu của nhà đầu tư theo chúng tôi hiểu là kinh doanh để kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc này chúng ta cũng không áp dụng tràn lan và cũng chỉ số ít dự án đặc biệt quan trọng và khi mà chúng ta không thể điều chỉnh thời hạn thì chúng ta mới thực hiện."
Vấn đề về kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: “đây là một vấn đề các đại biểu cũng nêu rất nhiều, nội dung này là một điều phù hợp đã được thiết kế phù hợp với Hiến pháp và Luật Kiểm toán nhà nước. Tức là chỉ thực hiện Kiểm toán nhà nước đối với tài sản công và tài chính công, Hiến pháp cũng bảo hộ quyền tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư nêu tại Điều 51 khoản 3: tài sản hình thành từ nguồn vốn của nhà đầu tư được xác định theo các yếu tố về giá, phí, chất lượng. Theo kinh nghiệm quốc tế thì nội dung của hợp đồng phải được nhà nước xem xét kỹ lưỡng trước khi ký kết và có thể thực hiện Kiểm toán nhà nước ngay từ khâu lập dự án. Nếu chúng ta lập xong, ký hợp đồng rồi mà chúng ta lại kiểm toán lại theo các quy định khác và theo các quy định ở trong nước thì nhà đầu tư không thể yên tâm để thực hiện được.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong phiên họp thảo luận tại hội trường ngày 19/11 đã có 27 đại biểu phát biểu ý kiến và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng phát biểu làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến và hoàn thiện dự thảo luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội để Quốc hội sẽ xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 9. “ – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần