Phường Xuân La, quận Tây Hồ: Nhức nhối tình trạng đất nông nghiệp thành bãi đỗ xe

Nguyễn Trọng - Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp ven đường Võ Chí Công, từ lâu, đã biến thành bãi đỗ xe tĩnh, cửa hàng kinh doanh, nhưng Chính quyền địa phương không thể xử lý vi phạm.rnrn

Theo phản ánh của người dân khu vực đường Võ Chí Công, phường Xuân La (Tây Hồ), thời gian qua, hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp, đất ở tại đây đã bị tự ý chuyển đổi sang thành bãi trông giữ xe, cửa hàng kinh doanh. Để làm rõ những phản ánh này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã tìm đến khu vực đất hiện được gọi theo tên Phân khu A5, thuộc giai đoạn 2, Dự án Khu đô thị (KĐT) mới Tây Hồ Tây, nằm ven đường Võ Chí Công, hướng đi nội thành Hà Nội. Ghi nhận tại đây cho thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở.

Bãi rửa xe, trông giữ xe vi phạm đang làm mất mỹ quan đô thị.( Ảnh Nguyễn Trọng)

Trên một khu đất kéo dài gần cả cây số, sâu vào hàng chục mét, không biết từ bao giờ đã hình thành nhiều bãi rửa xe, trông giữ xe, cửa hàng bán chậu, đôn, cây cảnh. Mặc dù cả lô đất đã được rào tôn bên ngoài nhưng cứ cách khoảng chục mét lại có một cửa ra vào được trổ ra phía đường Võ Chí Công; ô tô, người buôn bán ra vào tấp nập. Bên trong một số bãi xe lớn treo biển tên: Hải Khanh, Nhật Long.... hàng trăm ô đỗ xe khung thép, mái tôn hoặc mái tạm bằng vải san sát nhau. Xe ô tô đỗ ở đây không chỉ có xe con 4 - 7 chỗ mà còn có cả xe 16 chỗ.

 Bãi rửa xe, bãi đỗ xe Hải Khanh với các mái che vẫn đang hoạt động công khai( Ảnh Nguyên Trọng)

Trao đổi với phóng viên về hiện tượng này, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La Lê Tiến cho hay, toàn bộ Phân khu A5 có mặt tiền dài dài 1.094m, sâu vào 50m, nằm trong lõi KĐT Tây Hồ Tây. Đáng nói hơn đây vẫn là đất nông nghiệp của 129 hộ dân và đất ở của 50 gia đình khác còn lại sau giải phóng mặt bằng đường Võ Chí Công. Vị lãnh đạo UBND phường Xuân La cũng thừa nhận: “Hiện tượng tự ý san gạt đất nông nghiệp làm nơi bán hàng và bãi xe tĩnh là có”.

Các bãi nằm trên đương Võ Chí Công đang làm mất mỹ quan đô thị

Tuy nhiên ông Lê Tiến lại cho rằng, việc quản lý đất đai khu vực này cũng như xử lý các vi phạm gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn; cơ quan chức năng phường, quận còn khá lúng túng do thiếu chế tài. “Phường đã lập danh sách đầy đủ các trường hợp tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp thành bãi xe tĩnh và điểm bán hàng; đề nghị quận lập tổ công tác liên ngành để xử lý.

Nhưng cứ mỗi lần đến kiểm tra thì cả chủ xe lẫn chủ bãi, bảo vệ đều bỏ đi, không hợp tác” - ông Tiến thông tin. Vị lãnh đạo UBND phường Xuân La còn cho hay đã mời nhiều lực lượng như: Thanh tra GTVT, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường, CSTT... cùng vào tìm cách giải quyết vi phạm nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu. Liên quan đến vấn đề này,

Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Tây Hồ Đặng Hữu Dũng cho biết: “Đội đã nắm được các vi phạm trông giữ phương tiện không phép tại Phân khu A5 và lập biên bản kiểm tra, xử lý một số trường hợp, đồng thời thông tin cho Chính quyền địa phương tìm hướng xử lý dứt điểm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích trông giữ xe, kinh doanh buôn bán là trách nhiệm của Chính quyền địa phương.

Trong trường hợp này, liệu UBND phường Xuân La và quận Tây Hồ đã làm hết trách nhiệm(?). Dư luận Nhân dân còn cho rằng, để phát sinh vi phạm trên diện rộng, hàng ngàn mét vuông rồi lại kêu khó, không xử lý được chỉ là một cách né tránh trách nhiệm mà thôi. Tuyến đường Võ Chí Công hiện được xem là đường đẹp nhất Thủ đô, thế nhưng bộ mặt đô thị nơi này lại đang bị biến dạng, méo mó bởi những lều lán, bãi trông giữ, cửa hàng “thập thò”, nhếch nhác. Đặc biệt, việc rửa xe, kinh doanh dịch vụ còn đẩy ra môi trường khu vực một lượng nước thải, chất thải không nhỏ hàng ngày, đe doạ vệ sinh môi trường, nhất là ảnh hưởng đến cây xanh được trồng tỉa rất đẹp trên tuyến đường Võ Chí Công.

Mặt khác, việc Chính quyền địa phương bất lực trước tình trạng vi phạm, xẻ thịt đất nông nghiệp ồ ạt để làm bãi đỗ xe không chỉ khiến an ninh, trật tự tại đây trở nên phức tạp mà công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do buông lỏng quản lý. Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý vi phạm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng trên, tránh gây bức xúc kéo dài trong dư luận Nhân dân.