Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy: Tự hào vùng đất khoa bảng

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trong cái nôi của nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội, làng Cót xưa - nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, một trong hai mươi “Làng khoa bảng” Việt Nam và là một trong năm “Làng khoa bảng” của đất kinh thành.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Yên Hòa vẫn luôn gìn giữ, phát huy truyền thống khoa bảng làm nền tảng cho sự phát triển, xứng danh câu ca về tứ danh hương "Từ Liêm tứ quý, nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót".
Điểm nhấn giáo dục
Phường Yên Hòa chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1997 theo Nghị định 74/CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ trên cơ sở là xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm (cũ). Sau 20 năm hình thành và phát triển, từ một xã nông nghiệp, Yên Hòa đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng trên nhiều lĩnh vực của quận Cầu Giấy nói riêng và Thủ đô nói chung. Một trong những điểm nhấn tạo nên dấu ấn của phường Yên Hòa là công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nhân tài.
Khi mới thành lập, hệ thống giáo dục của Yên Hòa còn manh mún, bậc mầm non chỉ có một cơ sở, trường cấp I và cấp II phải học chung. Phát huy truyền thống làng khoa bảng, Yên Hòa luôn tập trung cho giáo dục và đến thời điểm này, hệ thống giáo dục của phường đã phát triển vượt bậc, gồm nhiều cấp học.

Giờ học Toán của học sinh trường THCS Yên Hòa, quận Cầu Giấy.      Ảnh:  Thanh Hải

Không chỉ quan tâm đến việc phát triển số lượng trường lớp, thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua, chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn phường đã từng bước được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Từ năm 2010, nhiều cơ sở giáo dục tại phường Yên Hòa đã phối hợp với các tổ chức giáo dục quốc tế để nâng cao kỹ năng giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh. “Gieo nhân lành gặt quả ngọt”, cứ mỗi năm trôi qua, danh sách những học sinh đạt giải cấp TP, quốc gia và quốc tế của phường ngày càng một dài thêm. Nếu như năm 2015, toàn phường có 52 em đạt giải cấp TP, quốc gia, quốc tế thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên 89 em.
Tiếp đó, cứ vào dịp cuối tháng 8 hàng năm, Hội Khuyến học phường Yên Hòa lại tổ chức Ngày hội Khuyến học để tuyên dương, động viên những học sinh giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Qua 15 năm duy trì và phát triển, phong trào khuyến học của phường đã đi vào từng gia đình, dòng họ, tổ dân phố. Nhờ đó, công tác vận động thu Quỹ Khuyến học năm sau luôn tăng hơn năm trước, đến năm 2016, đã đạt hơn 1 tỷ đồng.
Kim chỉ nam cho sự phát triển
Đề cập đến những kết quả đã đạt được trong hành trình 20 năm hình thành và phát triển, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Hoàng Trung Kiên chia sẻ, phường khi mới thành lập là một xã nông nghiệp, hạ tầng giao thông chỉ là những con đường đất lầy lội, thu ngân sách gần 2 tỷ đồng… đến nay, kinh tế của phường cơ bản đã chuyển sang hướng thương mại - dịch vụ, thu ngân sách đạt gần 20 tỷ đồng, công tác an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo ổn định. Đặc biệt, được sự quan tâm của Quận ủy, UBND quận Cầu Giấy và lãnh đạo TP, những cánh đồng, những tuyến đường lầy lội đã được đầu tư, xây dựng khang trang, với nhiều khu đô thị lớn, những tuyến đường hiện đại.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Yên Hòa Nguyễn Huy Quang, để đạt được những kết quả kể trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của quận Cầu Giấy, TP, luôn có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Để Yên Hòa tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian tới, bên cạnh việc tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo từ quận đến TP, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, Đảng bộ phường Yên Hòa kiên trì, tập trung lấy phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển nhân tài làm kim chỉ nam cho sự phát triển.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, phường Yên Hòa đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba (2009); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, 2012; Cờ Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của UBND TP Hà Nội năm 2010, 2012 và nhiều Bằng khen, Giấy khen của các bộ, ngành.